Thứ Hai, 20/01/2025 21:36 (GMT +7)

ASEAN 2020: Phát triển đô thị thông minh cần bắt đầu từ quy hoạch

Thứ 5, 22/10/2020 | 14:41:00 [GMT +7] A  A

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, sáng ngày 22/10 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”.

Ông Thiếu Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcom Việt Nam, Lào, Campuchia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hội thảo tập trung vấn đề phát triển liên kết vùng trên cơ sở các đặc trưng đô thị, xây dựng tầm nhìn dài hạn và quy hoạch định hướng phát triển đô thị thông minh, quản lý quá trình phát triển của đô thị.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, hướng tới mục tiêu làm cho thành phố thông minh hơn cần bắt đầu từ quy hoạch thông minh, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch. Những nội dung này cần lồng ghép vào Chiến lược đô thị hóa, coi đây là vấn đề trung tâm.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định rõ phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực, bất lợi và hệ lụy chưa từng có đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đại dịch cũng mở ra cơ hội nâng cao nhận thức “số hóa” trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, giúp chính quyền đô thị nhận thức rõ ràng hơn vai trò của công nghệ trong vận hành mọi mặt đời sống. Đây là điều kiện thuận lợi, tiền đề tích cực cho phát triển đô thị thông minh tại ASEAN và Việt Nam – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng đô thị thông, Tiến sỹ Alfonso Vegara – Chủ tịch Hiệp hội các nhà quy hoạch vùng và thành phố quốc tế cho rằng, Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, tạo cơ hội hòa nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực; trong đó có xây dựng đô thị thông minh.

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tầm nhìn và định hướng phát triển đô thị thông minh đặc biệt cần thiết, nhất là khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Trong tương lai, sẽ tập trung vào phân khúc đô thị hạng trung. Các quốc gia xây dựng đô thị thông minh quy mô vừa cần đáp ứng đầy đủ tiện ích cơ bản nhất. Từ đó đem lại cơ hội để xây dựng thành chuỗi đô thị thông minh. Muốn vậy, phải có cách tiếp cận vấn đề sớm – Tiến sỹ Alfonso Vegara nhận xét.

Việt Nam có sự tương đồng với nhiều đô thị thông minh tại châu Á. Đơn cử như với Thủ đô Hà Nội cần vượt qua quy hoạch của đô thị đơn thuần; cấu trúc theo hướng đô thị thông minh về mặt lãnh thổ, tạo sức lan toả cho các khu vực lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh… Khi thiết kế đô thị thông minh cần kết nối lãnh thổ vùng 1 cách khoa học để tạo sự tăng trưởng đồng nhất, hỗ trợ lẫn nhau; kết nối cơ sở hạ tầng thông minh theo hướng số hóa, tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai.

Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc Trung tâm Smart City – Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart chia sẻ, hiện Tập đoàn Vin Group đã xây dựng và phát triển nhiều khu đô thị thông minh. Dựa trên nền tảng công nghệ số, các đô thị thông minh của Vin Group chú trọng vào 4 tiện ích gồm an ninh an toàn, nhà, cộng đồng dân cư và vận hành thông minh. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Bà Võ Hồng Ánh – Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, các chủ trương, chính sách đã được ban hành đều đánh giá việc quy hoạch đô thị thông minh phải đi trước; quan điểm về quản lý phát triển đô thị thông minh phải được lồng ghép trong các chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị dài hạn.

Triển lãm trưng bày tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quy hoạch đô thị thông minh cần được xác định là nền tảng, tiền đề định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Quá trình này cần sự tham gia của các cấp, ngành, nhà khoa học và khối doanh nghiệp tư nhân.

Ở quy mô vùng, cần sẵn sàng kết nối để tạo thành mạng lưới thông minh có sức cạnh tranh, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Nhiệm vụ và giải pháp quan trọng hàng đầu là lồng ghép các mục tiêu phát triển thông minh vào chiến lược, định hướng, tầm nhìn dài hạn. Trong ngắn hạn cần xây dựng, phát triển các tiện ích quản lý đô thị thông minh góp phần minh bạch hóa, kêu gọi sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển đô thị thông minh.

Chỉ khi việc xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau – bà Ánh khẳng định.

Thu Hằng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/asean-2020-phat-trien-do-thi-thong-minh-can-bat-dau-tu-quy-hoach-20201022103650625.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu