Thứ Sáu, 22/11/2024 13:37 (GMT +7)

Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Long An về kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ 3, 27/06/2023 | 17:29:13 [GMT +7] A  A

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22/5 đến 10/6 và từ 19/6 đến 24/6/2023. Sau 23 ngày làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình làm việc đã đề ra.

Để kịp thời thông tin đến bà con cử tri, Đài Phát thanh  và Truyền hình Long An xin trân trọng giới thiệu nội dung báo cáo của đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An về kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp lần này. 

Kính thưa Quí cử tri.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, tôi xin báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, diễn ra đợt 1 (từ ngày 22/5 đến 10/6)đợt 2 (từ ngày 19/6 đến ngày 24/6/2023). Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XV Tỉnh Long An

Trước hết, về công tác lập pháp: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 08 Luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thông qua 17 Nghị quyết, trong đó có các nghị quyết quy phạm pháp luật như: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023...

Cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật, gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là nội dung quan trọng, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân và liên quan đến việc điều chỉnh các luật khác. Trên cơ sở tiếp thu trên 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp nhân dân; Quốc hội đã dành 1,5 ngày để thảo luận ở tổ và hội trường; các đại biểu đã quan tâm góp ý các quy định về thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất, mở rộng đối tượng và phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý đất đai theo quy hoạch được phê duyệt. Tham gia đóng góp vào dự án Luật này, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định liên quan đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; về các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; nhất là đề nghị bổ sung các quy định đối với đất xây dựng công trình trên không… nhằm sớm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV

Ngoài ra, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tích cực nghiên cứu và có 16 lượt ý kiến đóng góp đối với 13 dự án luật khác và 02 dự thảo Nghị quyết, tập trung vào các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi)… Nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu được Ban Soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, đánh giá cao.

Thứ hai, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để thảo luận đóng góp tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; giao danh mục và phân bổ trên 13.369 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, ngành, địa phương; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và cho chủ trương đầu tư một số dự án đường giao thông quốc gia quan trọng.

Nhìn chung, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống người dân được quan tâm; lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Quốc hội cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế trong nước đạt thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước; hoạt động của các thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn; nhiều dự án lớn chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và người lao động mất việc làm tăng; vấn đề thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được giải quyết căn cơ; việc huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác, phát huy các thiết chế văn hóa từ cấp huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế; an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Qua đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, nhất là tập trung vào 12 nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết chung của kỳ họp.

Thông qua các buổi thảo luận tại tổ và hội trường, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và các vướng mắc, khó khăn của tỉnh như: kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây con giống. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân an tâm sản xuất. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng giúp cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt, bố trí đủ vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 và Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo các yêu cầu thiết yếu của người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định và góp phần cải tạo, nâng cấp hạ tầng cấp điện đồng bộ với kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn của địa phương. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành có các giải pháp tháo gỡ kip thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62. Ngày 07/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 646 phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến quốc lộ tại đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tuyến Quốc lộ 62 sẽ được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Đây cũng là tuyến đường mà cử tri các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh kiến nghị nhiều lần qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Thứ ba, Quốc hội đã dành 1 ngày để thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về báo cáo này, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và là trách nhiệm của Quốc hội trong giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri. Qua đó, Quốc hội đã đánh giá cao công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ghi nhận sự tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương trong việc trả lời, giải quyết 2.589/ 2.593 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước, củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân cả nước.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22/5 đến 10/6 và từ 19/6 đến 24/6/2023

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đồng thời, dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các Phó Thủ tướng Chính phủ về 04 nhóm vấn đề đại biểu quan tâm. Có 112 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, 49 lượt đại biểu tranh luận, trong đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An có 03 đại biểu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ về các vấn đề liên quan đến việc xử lý số tiền chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp; các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và hiệu quả chi đầu tư phát triển, tổng chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Kính thưa Quí cử tri.

Tôi vừa báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.

Chân thành cảm ơn cử tri đã theo dõi và rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quí cử tri đối với hoạt động của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian tới.

Kính chúc quí cử tri luôn mạnh khỏe.

Trân trọng kính chào!

NGUYỄN THANH HẢI

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XV Tỉnh Long An

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu