Thứ Năm, 16/01/2025 04:33 (GMT +7)

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách ưu việt

Thứ 4, 27/10/2021 | 11:25:00 [GMT +7] A  A

Ngày 27/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ về thực hiện chính sách về BHXH, BHYT chiều 22/10/2021 Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

BHXH và BHYT là trụ cột lớn, căn bản của an sinh

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ chiều 22/10 về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đánh giá, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.

Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành, nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra, nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) đánh giá, BHXH và BHYT là những trụ cột lớn, căn bản của an sinh, đảm bảo đời sống lâu dài khi người lao động về già, vì vậy, phải mở rộng đối tượng, thì mục tiêu an sinh mới đạt được.

Luật Lao động hướng tới mở rộng đối tượng lao động phi chính thức, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn đa dạng các hình thức bảo hiểm hơn. Hiện, đối tượng tham gia BHXH chỉ khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là hết sức khó khăn.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, năm 2020, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025. Đây là nỗ lực lớn của ngành bảo hiểm, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây trong cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính).

Các đại biểu cho rằng, số người tham gia BHXH mặc dù có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân, hạn chế này là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao.

Có ý kiến chỉ ra rằng, nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN gặp nhiều hạn chế. BHTN chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều ĐBQH đồng tình quan điểm các chính sách về BHXH, BHYT thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong đảm bảo công bằng, an sinh xã hội, giải quyết quyền lợi cơ bản cho nhân dân, người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có nhiều bất cập, cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Theo đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cần có cơ chế, chính sách đặc thù về BHYT đối với hộ dân tại khu vực vùng núi phía Bắc, biên giới.

“Giải quyết được triệt để những vấn đề này thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở ngay tại địa phương. Chúng ta sẽ giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là người nghèo tại các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, đại biểu Nguyễn Đức Minh cho biết.

Cần tăng cường mở rộng phạm vi và quyền lợi của người dân đóng BHYT

Thảo luận về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, đa số các ý kiến nhận thấy, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực BHYT được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với Luật chưa được giải quyết dứt điểm; gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB BHYT và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, các ĐBQH nhận thấy, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Long phát biểu thảo luận ở tổ về thực hiện chính sách về BHXH, BHYT. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, BHYT đã giúp cho mọi người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các dịch vụ y tế, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời khẳng định, thời gian qua, mặc dù Việt Nam tiếp cận với chính sách BHYT muộn hơn so với các nước nhưng độ bao phủ của BHYT rất nhanh, chiếm 90,85%, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao vì thể hiện tính ưu việt, đảm bảo lợi ích cho người dân.

Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên và đặc biệt mở rộng phạm vi, quyền lợi được hưởng của những người dân đóng BHYT. Ngoài ra, việc đổi mới về quản lý, giám sát, thẩm định, quyết toán công khai, minh bạch hơn.

Xác định BHYT là một trong những trụ cột an sinh xã hội, nhất là đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế đang thẩm định, báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội Luật Y tế sửa đổi trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn nhận được sự đồng thuận cao hơn.

Nhấn mạnh việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, theo nguyên tắc đóng mở chia sẻ rủi ro, càng có nhiều người đóng, gần như bao phủ toàn bộ dân số của nước ta thì lúc đó việc chia sẻ rủi ro sẽ bớt lo ngại hơn. Hiện có một số đối tượng chưa được liệt kê vào Luật BHYT, do đó Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ sửa luật theo hướng tất cả người dân được tiếp cận với y tế, dịch vụ BHYT. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường mở rộng phạm vi và quyền lợi của người dân đóng BHYT.

Cho rằng trình độ, năng lực và khả năng chuyên môn của các tuyến hiện còn khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở, mở rộng nhiều hơn. Việc củng cố, tăng cường y tế cơ sở cho người dân ngay tại địa phương là rất quan trọng, từ đó người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn. Đẩy mạnh việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, kết nối các điểm cầu trên toàn quốc.

Đề cập đến mô hình bác sỹ gia đình, các ý kiến nhận thấy, thời gian qua, mô hình bác sỹ gia đình được thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Khi dịch bệnh xảy ra, mô hình bác sỹ gia đình đã phát huy hiệu quả cao. Về mặt pháp lý, mô hình bác sỹ gia đình còn gặp nhiều vướng mắc, đa số đại biểu đề nghị cần thúc đẩy mô hình này tốt hơn trong thời gian tới, nhấn mạnh vai trò của tổ y tế lưu động để quản lý sức khỏe của người dân tốt hơn, sát hơn. Các đại biểu hy vọng thời gian tới, khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT cần xử lý và khắc phục những hạn chế của mô hình này.

Nợ đọng BHXH còn khá cao

Tình trạng nợ đọng BHXH còn khá cao, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân cảm nhận được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế… là các ý kiến kiến nghị mà nhiều ĐBQH nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận ở tổ về thực hiện chính sách về BHXH, BHYT. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để đáp ứng các yêu cầu về BHXH, bảo hiểm y tế toàn dân, đáp ứng về yêu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng với con số hơn 15.000 tỉ đồng đang nợ đọng BHXH cho thấy tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH đang còn khá cao.

Điều này cũng cho thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật thực tế còn chưa nghiêm, rất nhiều doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chưa tự giác đóng BHXH. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tăng các biện pháp chế tài mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo đảm cho ngành bảo hiểm xã hội cũng như các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý trong trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện trách nhiệm của mình.

Vấn đề tiến tới BHYT toàn dân, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cảm nhận được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, tránh trường hợp khi bị bệnh mới bắt đầu tham gia. Đại biểu nhấn mạnh, trước thực trạng hiện nay, Quốc hội cần có Chương trình sửa đổi 2 luật liên quan là Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm Y tế, những quy định cũ cần sửa đổi bổ sung, đặc biệt là Luật Khám chữa bệnh cần rà soát lại để đảm bảo cho Luật đáp ứng được yêu cầu cuộc sống.

Ngoài ra, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị cũng đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành có biện pháp tăng cường quản lý, kiểm tra thanh tra Quỹ Bảo hiểm để tránh thất thoát Quỹ và không nên đưa vào các ngân hàng thương mại.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh lộ trình đến năm 2025, để đạt tỷ lệ tham gia BHYT 95% là thách thức lớn, đề nghị Bộ Y tế và BHXH tham mưu sửa đổi Nghị định 68 cho phù hợp.

Các ĐBQH cũng đề cập về trách nhiệm của trung ương và địa phương trong việc bảo đảm năng lực y tế tuyến cơ sở; giải pháp để sớm hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm y tế xã; những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19; thanh quyết toán bảo hiểm y tế và giám định bảo hiểm y tế…

Viết Tôn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-la-chinh-sach-uu-viet-20211026152750078.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu