Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 11:13 (GMT +7)
Bến Lức cần đầu ra bền vững cho trái chanh
Thứ 5, 19/10/2023 | 11:54:19 [GMT +7] A A
Hiện nay, vùng chanh nhiên liệu của huyện Bến Lức có khoảng 6.700ha, chủ yếu tập trung ở các xã phía bắc của huyện, như: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, mỗi xã hơn 2.000 ha, còn lại các xã Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình, Tân Hòa, An Thạnh. Sản lượng gần 100.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu chủ yếu khoảng 15.000 tấn sang Châu âu, Trung Đông và các nước trong khu vực.
Vài năm nay, cây chanh trở thành một trong các cây trồng chủ lực ở Bến Lức, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Lúc cao điểm, có gần 80% sản lượng chanh tươi của địa phương được xuất đi các nước Trung Đông và một số quốc gia khác. Còn ở mùa tiêu thụ thấp điểm, khoảng tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, do trùng với thời điểm thu hoạch chanh ở nhiều quốc gia, nên chỉ có khoảng 30% sản lượng chanh được xuất khầu. Phần lớn chanh còn lại, nông dân phải tiêu thụ nội địa với giá rẻ để thu hồi vốn.
Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, cho biết: “Năm nay, đầu ra cây chanh có một số tín hiệu tích cực song để phát triển bền vững, ngành chứng năng cần có những hoạch định chiến lược để doanh nghiệp, nông hộ tự có thể chủ động điều phối, quyết định về giá cả và sản lượng của mình”.
Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt, bước đầu một số doanh nghiệp tại huyện Bến Lức đã chuyển hướng từ phát triển vùng nguyên liệu, xuất khẩu chanh tươi sang đầu tư công nghệ chế biến sâu. Những sản phẩm này đã góp phần nâng cao giá trị cây chanh, tận dụng tối đa các phụ phẩm từ chanh để cho ra các sản phẩm đặc trưng địa phương. Đặc biệt doanh nghiệp tối ưu hóa, khép kín các khâu sản xuất để tiêu thụ hiệu quả sản lượng chanh dư thừa vào mùa thấp điểm. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quan trị Công ty Chanh Việt Long An, sản phẩm từ chanh ngày càng đa dạng và được thị trường chấp nhận, như: bột chanh, nước cốt chanh, tinh dầu chanh, các loại trà, nước sốt và nước chấm từ chanh... Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư và có hoạch định lâu dài cho chế biến sâu, mở rộng thị trường thì giải quyết rất nhiều vấn đề về đầu ra cho cây chanh.Ông Hiển chia sẻ: "Mình giải quyết bài toán chế biến sâu thì mới giải quyết được số lượng lớn. Chứ chỉ bán chanh tươi thì doanh nghiệp tự cạnh tranh với nhau rồi cùng chết thôi, đó là cái khó. Bán chanh tươi thì có thị trường Trung Đông, địa phương có HTX Bến Lức vừa ký kết thêm hợp đồng xuất châu Âu".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, ngoài việc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, thì sản phẩm chanh hiện đã được hỗ trợ xây dựng Bộ Thương hiệu trực tuyến, phần mềm truy xuất nguồn gốc. Phòng đang tích cực phát triển thị trường chanh tươi, khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu kết hợp chanh với nhiều sản phẩm khác, tạo giá trị đặc trưng cho nông sản xuất khẩu địa phương.
Ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng NN-PTNT cho biết thêm: "Hàng năm UBND huyện đều dành kinh phí (khoảng 2 tỷ đồng) cho ngành nông nghiệp tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân trồng chanh có quy hoạch vườn, hỗ trợ giống chanh tốt, phân hữu cơ, hệ thống tưới tiết kiệm, chuyển giao kỹ thuật tổng hợp,… thông qua các tổ HTX, tổ hợp tác. Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 30 điểm thu mua chanh của nông dân, như: Nông trang Hải Âu, cơ sở Chanh Nguyên Loan, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức;... Địa phương cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức-Long An; thực hiện quản lý cấp mã vùng trồng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa;…”
Những năm gần đây, giá chanh ổn định, có khả năng xuất khẩu tốt và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên diện tích chanh ở Bến Lức phát triển nhanh. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn manh mún, tự phát, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ... Để cây chanh phát triển bền vững, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích việc tạo chuỗi liên kết, hỗ trợ nguồn vốn cho những doanh nghiệp, HTX có chiến lược đầu tư cho hoạt động chế biến sâu;…/.
Việt Hằng
Ý kiến ()