Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 19:13 (GMT +7)
Bến Lức: “Cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách
Thứ 3, 04/04/2023 | 10:49:30 [GMT +7] A A
Luôn sát cánh cùng người dân, trực tiếp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn huyện Bến Lức không chỉ là cầu nối, kênh dẫn vốn quan trọng mà còn góp phần nâng cao chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách.
Hiện nay, toàn huyện Bến Lức có 215 tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ TK&VV hoạt động hiệu quả thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác với tổng số 9.121 thành viên. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến 31/3/2023 là 33.806 triệu đồng, với 905 khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến 31/3/2023 là 351.877 triệu đồng với 9.463 khách hàng còn dư nợ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh- tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TK&VV) ấp 6B, xã Lương Hòa, chia sẻ: “Với lợi thế gần dân, sát dân, hơn ai hết, thành viên tổ TK&VV chúng tôi hiểu, nắm rõ được hoàn cảnh, nhu cầu vay vốn của tùng hộ. Nhờ đó, việc tư vấn, giới thiệu nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách trúng và đúng hơn. Hiện, tổ chúng tôi có 60 thành viên vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện với dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, nhiều hộ vay tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.... Bên cạnh đó, có nhiều tổ viên, đến thời kỳ trả gốc gặp khó khăn, chúng tôi đã thông báo trước ba tháng cho tổ viên chuẩn bị để trả gốc rồi tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn tiếp để tái đầu tư, sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn”.
Năm 2021, hộ anh Đặng Minh Tiến, ấp 6B xã Lương Hòa vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư trồng 5.000 cây mai trên điện tích 9.000m2 đất. Hiện, vườn mai hơn 2 năm tuổi của gia đình đang phát triển tốt. Hay như hộ bà Nguyễn Thị Dung và bà Dương Thị Hết, ngụ cùng ấp 6B, năm 2022 mỗi hộ vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để làm hàng rào, mua phân bón, máy bươm nước phục vụ tưới tiêu cho vườn chanh không hạt của gia đình. Hiện, giá chanh đang ở mức 20.000-25.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, các hộ có thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm/1,5hacta.
Bà Nguyễn Thị Dung, xã Lương Hòa, chia sẻ: “Do tình hình thiên tai, dịch bệnh nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Thành viên Tổ TK&VV của ấp đã giúp đỡ gia đình được vay vốn chính sách với lãi suất thấp. Có vốn, gia đình tôi đầu tư vào cải tạo vườn chanh kết hợp mua thêm các thiết bị máy móc để giảm chi phí thuê mướn nhân công trong khâu sản xuất. Nhờ đó mà kinh tế gia đình đã dần ổn định,…”
Hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định ở các địa phương, tổ trưởng tổ TK&VV còn tham gia giao ban với ngân hàng để kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý. Qua đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu lãi của NHCSXH huyện hiện đạt 99,6%, huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV đến ngày 31/3/2023 đạt 45.480 triệu đồng; số tổ TK&VV xếp loại tốt chiếm 98,6%, còn lại xếp loại khá; không có tổ xếp loại trung bình, yếu.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Bến Lức tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV; tập huấn nâng cao nghiệp vụ tín dụng chính sách cho các Ban quản lý tổ; thông tin, tuyên truyền kịp thời các chính sách tín dụng đến mọi người dân biết, đặc biệt chương trình cho vay phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()