Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:22 (GMT +7)
Bến Lức long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh
Thứ 6, 07/10/2022 | 19:43:32 [GMT +7] A A
Trong 2 ngày 6 và 7/10/2022 Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bến Lức long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 – 2022) nhằm ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch tại Di tích lịch sử Khu vực Xóm Nghề Ấp 1 xã Thạnh Đức.
Sáng nay, ngày 7/10/2022 huyện Bến Lức tổ chức Chương trình Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với sự tham dự của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Long An qua các thời kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Út – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phạm Tấn Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Sử học Huỳnh Thị Gấm – Học viện Chính trị khu vực II, lãnh đạo Tỉnh ủy và Đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang cùng đông đảo khách thập phương, bà con nhân dân trong vùng và con cháu cụ Nguyễn.
Phần hội và phần lễ của Lễ kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh diễn ra long trọng với các tiết mục biểu diễn võ cổ truyền, thể dục dưỡng sinh, đánh trống lân sư rồng, văn nghệ chào mừng và dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đồng thời nghe ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – Người con ưu tú của quê hương Thạnh Đức huyện Bến Lức.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 tại Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Là người trí dũng song toàn, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để lại 2 chiến công hiển hách ở Nam Bộ. Đó là chiến thắng lẫy lừng trên Vàm Nhật Tảo khi ông đốt cháy tàu Ésperance của Pháp vào ngày 10/12/1861 và đánh chiếm thành Kiên Giang, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Rạch Giá. Nhưng cuối cùng, ông đã hy sinh thân mình để cứu dân và bảo toàn lực lượng để chờ thời cơ. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Tại lễ kỷ niệm, lần lượt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, các xã, thân tộc cụ Nguyễn, Nhân dân đến dâng hương thành kính trước vong linh người con Xóm Nghề, anh hùng dân chài, áo vải Nguyễn Trung Trực đã làm rạng danh quê hương xứ sở. UBND huyện đã khen thưởng và tặng hoa cho 28 đơn vị tài trợ, đóng góp kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh.
Anh Nguyễn Tuấn Hòa – Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Năm nào Đoàn chúng tôi cũng về Di tích Xóm Nghề, nơi sinh ra Ông Nguyễn để tưởng nhớ người anh hùng đức độ, tài ba của dân tộc, riêng bản thân tôi cũng mang họ Nguyễn nên rất vinh dự và hãnh diện. Năm nay lễ kỷ niệm ngày Ông hy sinh được lãnh đạo huyện Bến Lức quan tâm tổ chức long trọng chu đáo, tôi thấy không khí rất trang nghiêm, chính quyền địa phương và người dân nơi đây cũng rất hiếu khách, tiếp đón chúng tôi nồng ấm”.
Ông Đặng Công Bình – Trưởng Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đây là lần đầu tiên Đoàn Rạch Giá tham dự lễ kỷ niệm ngày cụ Nguyễn hy sinh tại Xóm Nghề xã Thạnh Đức. Tôi thấy địa phương tổ chức lễ hết sức chu đáo, thể hiện tấm lòng trân trọng, trang nghiêm đối công lao của bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương, dày công gìn giữ độc lập tự do cho dân tộc. Qua đây Đoàn chúng tôi cũng cảm ơn sự quan tâm, sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo huyện Bến Lức đối với Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá đã tổ chức lễ hội truyền thống tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hàng năm. Dù lễ kỷ niệm được tổ chức ở nơi đâu, tôi cũng thấy trang nghiêm, trân trọng và tấm lòng của người dân dành cho vị anh hùng dân tộc vẫn luôn thành kính tưởng nhớ về Ông, một hình tượng trung hiếu vẹn toàn, một biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, bất khuất của cả dân tộc”.
Để góp phần giáo dục truyền thống, ghi nhớ công lao đóng góp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, huyện Bến Lức thường xuyên tôn tạo Di tích và đã đầu tư đường vào nhà Bia khang trang. Đến nay Khu Di tích lịch sử Khu vực Xóm Nghề Ấp 1 xã Thạnh Đức cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 98 tỷ đồng, chia làm 4 phân khu, bao gồm: Khu trưng bày tưởng niệm, Bia ghi công, Bia tưởng niệm, sân hành lễ, khu tái hiện lịch sử, v.v… Huyện đang gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công Khu di tích với thời gian dự kiến là 3 năm từ năm 2023 đến năm 2025.
Lê Hạnh – Thái Tần
Ý kiến ()