Thứ Sáu, 22/11/2024 11:45 (GMT +7)

Bến Lức phát triển văn hóa đọc trong thời đại chuyển đổi số

Thứ 4, 27/09/2023 | 11:16:30 [GMT +7] A  A

Trong xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, văn hóa đọc ngày càng có điều kiện phát triển khi người đọc có thể tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi…thông qua các thiết bị thông minh sẽ góp phần không nhỏ để lan tỏa văn hóa đọc trong học đường.

Khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và nguồn Internet

Hiện nay, nhu cầu khai thác, lưu trữ và tìm kiếm các nguồn tài liệu của giáo viên và học sinh ngày càng cao. Máy tính, điện thoại di động, Ipad,... giúp học sinh có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc. Do đó, các trường học trên địa bàn huyện Bến Lức quan tâm hướng dẫn học sinh kỹ năng khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và nguồn Internet.

Em Võ Ngọc Huỳnh Anh, học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực (xã Thanh Phú) cho biết: “Việc đọc sách, tra cứu, tận dụng các ưu thế của công nghệ được em khai thác triệt để bởi thông qua mạng Internet, với tài nguyên học tập phong phú về âm thanh, hình ảnh, hội thoại, em có thể tìm kiếm tài liệu học tập, kể cả sách tham khảo, sách giáo khoa... ở mọi trình độ khác nhau”.

Xây dưng thư viện xanh phục vụ nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh

Từ những ưu điểm vượt trội so với các cách thức tiếp nhận truyền thống, việc chia sẻ, lan tỏa kiến thức trên các nền tảng xã hội đang ngày càng dần trở thành xu hướng được đông đảo các bạn học sinh tiếp cận. Do đó, cùng tồn tại, phát triển song hành, sách giấy truyền thống và sách điện tử sẽ mang đến cho người đọc trải nghiệm các  "kênh” văn hóa đọc đa dạng, hiệu quả hơn, tùy thuộc mỗi đối tượng độc giả.

Để phát huy văn hóa đọc, ngoài hệ thống phòng tin học có kết nối Internet tại các nhà trường, ngành giáo dục huyện còn xây dựng các hệ thống thư viện xanh ngoài trời theo tiêu chí thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh tiếp cận gần hơn với sách, báo. Để tăng số lượng sách trong thư viện, các trường trong huyện đã làm tốt công tác huy động, luân chuyển sách, thư viện lưu động, trao tặng sách .v.v..

Học sinh đã biết bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống; biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn qua các trang sách

Đến nay 36 trường học trên địa bàn huyện đã có thư viện với số sách bình quân là 3.000 cuốn/ trường, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức thông qua việc tổ chức các hoạt động đa dạng như: giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, thi vẽ tranh theo sách, sân khấu hóa nội dung về sách... Qua đó, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập, góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”.

Trong thời đại công nghệ số, mỗi học sinh đều là những "công dân số”. Bản chất của việc đọc sách là trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp cảm xúc. Do đó, dù tiếp cận bằng hình thức nào thì cũng cần phải đảm bảo phù hợp cho từng nhóm đối tượng và từng thời điểm, phục vụ mục đích cao nhất của văn hóa đọc là tiếp nhận thêm tri thức và nâng cao dân trí./.

Việt Hằng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu