Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 23:17 (GMT +7)
Phụ nữ Bến Lức tham gia sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
Thứ 2, 20/02/2023 | 11:08:43 [GMT +7] A A
Là đơn vị điểm được Hội LHPN tỉnh Long An chọn triển khai đẩy mạnh các hoạt động truyền thông sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững, trong năm qua các cấp Hội LHPN trong huyện Bến Lức đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.
Hàng trăm buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm đã được Hội 15 xã, thị trấn tổ chức, đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, hành động của chị em trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Gần 40 năm gắn bó việc trồng hoa màu, bà Phan Thị Giò - ấp Voi Lá xã Long Hiệp đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, cũng như các buổi sinh hoạt, tập huấn của Hội phụ nữ về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt hơn bà cũng tự ý thức được việc canh tác an toàn vừa góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định vừa tốt cho sức khỏe cho chính gia đình mình và người tiêu dùng. Với hơn 3.000 m2 đất trồng hoa màu xen canh, bà Giò luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình tuân thủ quy định an toàn trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Phan Thị Giò - ấp Voi Lá xã Long Hiệp nói: “Hiện nay, vấn đề thực phẩm an toàn là việc mà người dân mình rất quan tâm. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình và cho mọi người, chúng tôi khi trồng trọt các loại rau màu đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc, mua ở cửa hàng uy tín. Đặc biệt là tôi luôn tuân thủ đúng theo hướng dẫn trên bao bì. Khi rau màu bước vào thời gian thu hoạch, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có sử dụng thì đảm bảo tuân thủ đúng theo thời gian cách ly quy định trên bao bì thuốc, để không còn dư lượng thuốc trong rau màu của mình. Mình phải hiểu rằng bản thân mình tuân thủ đúng thì rau màu của mình bán cho người dân mới đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ.”
Xã Long Hiệp - xã điểm được huyện chọn làm điểm đẩy mạnh hoạt động truyền thông sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững, đến nay đã có gần 57,5% hộ hội viên hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông sản, kinh doanh thực phẩm ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Gia đình chị Đặng Thị Ngọc Năm - ấp Chánh, xã Long Hiệp là một trong những hộ tích cực hưởng ứng hoạt động này của Hội Phụ nữ xã. Chị Tâm cho biết: Gia đình tôi có nghề truyền thống làm tàu hủ hơn 20 năm. Hằng ngày, chúng tôi cung cấp cho chợ Bình Chánh từ 400 - 500 mẩu tàu hủ. Chúng tôi ý thức được rằng thực phẩm mình làm ra có an toàn thì tiểu thương và người tiêu dùng mới tin tưởng sử dụng sản phẩm của mình. Như vậy thì mình mới duy trì kinh doanh được lâu dài. Hơn nữa tại chợ, họ cũng yêu cầu rất cao về đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy mà gia đình chúng tôi luôn chú trọng nhập nguyên liệu uy tín, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến. Cơ sở chúng tôi được kiểm tra hằng năm và được cấp giấy chứng nhận an toàn trong chế biến thực phẩm. Gia đình mình cũng buôn bán cơm cho người lao động. Bản thân mình nghĩ rằng đảm bảo an toàn thực phẩm không phải là để đối phó với công tác kiểm tra của cơ quan chức năng mà là vì sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy chị em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh.
Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nhận thức của chị em phụ nữ đối với việc đảm bảo an toàn thực trong sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng hằng ngày đã nâng lên rõ rệt. Từ đó góp phần cho huyện thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng đến sản xuất an toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều hộ gia đình tự trồng rau sạch, áp dụng các phương pháp thủy canh, đảm bảo theo hướng sạch, an toàn sức khỏe./.
Kim Phượng – Thanh Tâm
Ý kiến ()