Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 14:31 (GMT +7)
Bến Lức: trên 20 năm gắn bó với thư viện trường học
Thứ 3, 19/04/2022 | 11:02:06 [GMT +7] A A
Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Bến Lức luôn quan tâm xây dựng và phát triển thư viện trường, tạo ra không gian và nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm thu hút học sinh đến đọc sách. Để xây dựng và khai thác hiệu quả các thư viện trường phải kể đến vai trò của các thủ thư, nổi bật trong đó có cô Đỗ Thị Tuyết Nhung giáo viên phụ trách thư viện trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, xã Thạnh Đức.
Chuyển công tác về trường từ năm 2000, đến nay cô Đỗ Thị Tuyết Nhung sinh năm 1969 đã có trên 20 năm gắn bó với công tác thư viện của trường. Cơ sở vật chất trường còn khiêm tốn nên thư viện trường có diện tích chỉ tương đối gồm: 1 phòng thư viện với diện tích 45 m2 bố trí 8 kệ sách và 1 bàn đọc sách; 1 phòng đọc Room to read được tài trợ với diện tích 80 m2. Trước đây số lượng học sinh đến thư viện đọc sách không nhiều, tuy nhiên qua quá trình tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cô Nhung đã triển khai nhiều hoạt động thu hút học sinh đến với thư viện ngày càng nhiều.
Ngoài việc nghiên cứu sắp xếp các mảng sách trong thư viện cho hợp lý, khoa học, dễ tìm kiếm, cô Nhung còn triển khai sáng kiến thu hút học sinh đến phòng đọc sách ngày càng nhiều vào những giờ chơi. Mỗi giờ chơi cả hai phòng thư viện và phòng đọc sách đều có học sinh từ 1 đến 2 lớp đến đọc sách. Trong đó, cô hướng dẫn các em tìm đọc sách theo mã màu, nên việc tìm sách yêu thích được dễ dàng, phù hợp với lứa tuổi của các em. Sau mỗi giờ đọc sách cô hướng dẫn cho các em vẽ lại các nhân vật mình yêu thích qua mỗi câu chuyện vừa đọc và trưng bày sản phẩm trong phòng đọc. Từ đó, tạo hứng thú hơn cho các em đến với thư viện và phòng đọc. Em Thi Ngọc Vy học sinh lớp 5/3 trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực cho biết: “Mỗi tuần con đến thư viện đọc sách 2 lần và loại sách cô yêu thích là các quyển truyện cổ tích, các loài vật. Khi đến đây con được cô Nhung hướng dẫn cách để tìm sách nhanh chóng và giới thiệu những quyển sách mới, hay. Sau khi chúng con đọc sách xong, cũng được cô Nhung hướng dẫn để sách ngăn nắp lại vào kệ. Con cảm thấy thư viện của trường mình rất là thoáng mát, sạch sẽ và có nhiều sách hay”.
Hằng năm, cô Nhung cũng tham mưu giới BCH trường và phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức ngày hội đọc sách giúp các em học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách, rèn luyện kỹ năng và hứng thú với việc đọc sách trong các em. Cô Đỗ Thị Tuyết Nhung giáo viên phụ trách thư viện trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực nói: “Suốt quá trình làm công tác thư viện 21 năm, tôi cảm thấy rất là yêu thích công việc này. Cho nên tôi đã tìm tòi, học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, nghiên cứu áp dụng những phương pháp, hoạt động bổ ích để thu hút các em học sinh đến với thư viện. Có một điều là trước đây làm công tác chuyên trách thư viện nhưng trong những năm gần đây, vừa làm công tác thư viện vừa dạy lớp nên bản thân cũng gặp không ít khó khăn trong việc bố trí, phân phối thời gian, không có nhiều hoạt động hơn để thu hút các em đến thư viện đọc sách ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bản thân cũng cố gắng hết sức để duy trì hoạt động thư viện được hiệu quả, tạo được nhiều thời gian cho các em học sinh đến thư viện đọc sách.”
Để làm phong phú thêm nguồn sách phục vụ nhu cầu của học sinh, mỗi năm cô Nhung cũng tham mưu BGH bổ sung từ 400-500 bản sách cho thư viện. Thầy Phan Văn Ê Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực cho biết: “Tuy là kiêm nhiệm công tác thư viện nhưng cô bản thân cô Đỗ Thị Tuyết Nhung rất là nhiệt tình, tâm huyết với công tác. Hằng năm cô đều xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện trình hiệu trưởng ký duyệt và triển khai thực hiện rất tốt. Hàng tháng, hàng tuần cô Nhung cũng lên lịch giới thiệu các mảng sách chủ đề đến giáo viên và học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ, cũng như là sinh hoạt tập thể trong trường. Về hồ sơ, sổ sách công tác thư viện cô Nhung cũng thực hiện đầy đủ, có tinh khoa học và tính thẩm mỹ. Với những hoạt động đó, hằng năm Sở và Phòng giáo dục – đào tạo kiểm tra đánh giá, công nhận thư viện trường là thư viện tiên tiến, suất sắc nhiều năm liền.”
Đến với thư viện trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực sẽ cảm nhận được sự ngăn nắp, khoa học, phòng đọc sách thoáng mát, sạch sẽ dù trong không gian chỉ khiêm tốn. Đó chính là nhờ bàn tay chăm chút, tỉ mỉ, cẩn thận từng ngày của cô Nhung. Chính cô Nhung là người đã góp phần xây dựng thư viện, phòng đọc sách trở thành điểm đến bổ ích, xây dựng thói quen đọc sách hằng ngày cho các em học sinh./.
Kim Phượng – Thanh Tâm
Ý kiến ()