Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 20:47 (GMT +7)
Bình Thuận yêu cầu đưa Điện lực Vĩnh Tân vào giám sát đặc biệt
Thứ 6, 14/07/2017 | 09:56:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Sau vụ Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” bùn vào ngày 23/6, HĐND tỉnh Bình Thuận bày tỏ lo ngại và yêu cầu giám sát đặc biệt.
Chiều 13/7, tại kỳ họp thứ 4- Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa 10, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về việc cấp phép “nhận chìm” bùn, cát từ hoạt động nạo vét cảng xuống biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã dành gần 1 giờ để ông Phạm Ngọc Sơn, Phó phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo trình bày các cơ sở pháp lý và quá trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép “nhận chìm” cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 vào ngày 23/6 vừa qua.
Theo lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo, đây là giấy phép “nhận chìm” đầu tiên sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Việc cấp phép tuân thủ theo quy định của pháp luật. Vật, chất được phép nhận chìm có khối lượng hơn 918.500 m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét; không phải là chất thải hoạt động của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Khu vực nhận chìm có diện tích 30 héc-ta, cách Khu Bảo tồn Hòn Cau 8 km. Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ dùng sà lan mở đáy chuyên dụng để nhận chìm; dùng lưới chắn quây chung quanh khu vực để giảm thiểu phát tán. Việc nhận chìm từ tháng 6 đến tháng 10, tức là vào mùa gió Tây Nam, để đảm bảo bùn lắng phát tán trong nước không lan đến khu vực Hòn Cau cũng như khu vực nuôi tôm giống.
Ông Phạm Ngọc Sơn cho biết, chương trình quan trắc, giám sát độc lập do Viện Hải dương học đảm nhiệm tại 13 vị trí khống chế toàn bộ khu vực cần bảo vệ. Hoạt động nhấn chìm sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường biển.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng, dư luận vẫn còn lo lắng về hoạt động nhận chìm ở biển Vĩnh Tân. Liệu rằng chương trình giám sát, quan trắc có đảm bảo đúng với thực tế.
“Ai tin rằng cái việc quan trắc như thế là đảm bảo khách quan? Bây giờ tôi chưa tin. Bây giờ làm sao cho dân người ta tin, có nhiều việc người ta không tin lắm” – đại biểu Toàn Thiện nói.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo khẳng định, cơ quan giám sát quan trắc là cơ quan độc lập không có liên quan gì đến lợi ích của Công ty Vĩnh Tân, của Bộ Tài nguyên và Môi trường cả. Do vậy, đây là cơ quan độc lập chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả của mình.
Ngoài ra, trong giấy phép cũng đã quy định không chỉ Công ty Vĩnh Tân và các Bộ ngành, mà mời cả Khu Bảo tồn Hòn Cau, Hội Nghề cá và người dân, đại diện là Mặt trận Tổ quốc cấp xã – xã Vĩnh Tân và sau này những người dân khác cũng tham gia giám sát được cùng với tổ này thì chúng ta có thể bảo đảm được.
Cũng trong chiều cùng ngày, kỳ họp đã nghe Tổ giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo Kết quả giám sát tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Qua thảo luận, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả giám sát. Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào giám sát đặc biệt về môi trường./.
Việt Quốc/VOV-TP HCM
Ý kiến ()