Thứ Ba, 28/01/2025 02:14 (GMT +7)

Các địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Thứ 5, 02/11/2017 | 09:52:00 [GMT +7] A  A

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông, các địa phương đã nghiêm cấm tàu, thuyền đánh bắt thủy sản ra khơi; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chủ động bảo vệ con người, tài sản, diện tích sản xuất…

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều đoạn trên tỉnh lộ 641 từ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đi huyện Đồng Xuân bị ngập, người dân đi lại rất khó khăn. Ảnh: Thế Lập/TTXVN.

Cập nhật thông tin, quản lý chặt việc ra khơi

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra…

UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh, thu hoạch diện tích nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập úng; rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có mưa, lũ lớn kết hợp xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng xảy ra. Các địa phương vùng biển phối hợp với các Đồn Biên phòng trong khu vực thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động tìm nơi trú ẩn…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, công trình đang xây dựng; chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình; chủ động tiêu thoát nước đệm đảm bảo chống úng cho diện tích lúa và hoa màu; thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ theo quy định…

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra công tác phòng chống bão tại cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Tại tỉnh Bạc Liêu, chiều 1/11, Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu nhằm bàn các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, công tác ứng phó thiên tai, triều cường, mưa bão trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đến cơ sở, từng đơn vị. Phần lớn tàu thuyền hoạt động trên biển đã giữ được liên lạc và đang di chuyển vào khu vực trú bão. Đến chiều 1/11, Bạc Liêu còn hơn 300 tàu hoạt động trên biển, trong đó còn một tàu với hơn 10 thuyền viên chưa liên lạc được. Tuy nhiên, theo thông tin gia đình ngư dân, chiếc tàu này đang trên đường vào bờ trú bão.

Từ ngày 31/10, tỉnh đã nghiêm cấm tất cả tàu thuyền đánh bắt thủy sản ra khơi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động ứng phó, bảo vệ con người, tài sản, diện tích sản xuất; đồng thời các địa phương đã xây dựng phương án và tập trung lực lượng sẵn sàng khi có chủ trương sơ tán dân…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương phân công cán bộ bám sát các địa bàn; tiếp tục thông tin, giữ liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú ẩn neo đậu an toàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân gia cố bờ ao, ao đầm, máy bơm, nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa, màu, thủy sản…đã đến thời kỳ thu hoạch. Các ngành, các cấp, các địa phương báo cáo kịp thời tình hình triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, những khó khăn, vướng mắc về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để xử lý kịp thời.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Đức Quang lưu ý tỉnh cần tiếp tục thông tin nhanh, liên tục cho nhân dân về diễn biến của áp tháp nhiệt đới để chủ động ứng phó trên các kênh thông tin đại chúng. Các đơn vị trong tỉnh phân công cán bộ trực ban 24/24h để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Các địa phương triển khai nhanh kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến các đơn vị, người dân, nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đến thị sát, kiểm tra công tác phòng chống bão ở một số điểm xung yếu trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Chiều 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại các địa phương ven biển của tỉnh, gồm: các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú; thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm đánh giá cao công tác chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới tại các nơi kiểm tra. Tại đây, các tuyến đê bao xung yếu ven biển đã được gia cố cơ bản. Đối với các hộ dân sống ven biển, các địa phương cũng đã có phương án cứu hộ, di dời đến nơi an toàn khi xảy ra sự cố. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương phải nghiêm túc trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để xử lý tình huống kịp thời, đảm bảo an toàn về tính mạng, giảm thiểu thiệt hại tài sản cho người dân.

Chủ động lên phương án phòng, chống nguy cơ ngập lũ, mưa lớn

Theo Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum, tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các địa phương đề cao cảnh giác, sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai; theo dõi sát dự báo, thông tin kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền phòng chống thiên tai cho ngư dân ở cảng Trần Đề. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Các địa phương nhất là vùng ven biển, chủ động chuẩn bị các phương án phòng, chống nguy cơ ngập lũ, mưa lớn; hướng dẫn người dân bảo vệ nhà cửa, công trình, dự án đang triển khai, diện tích nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và phương án sơ tán dân ra khỏi những nơi không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập lụt ven biển, ven sông. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn 24/24; bộ đội biên phòng quản lý chặt chẽ, không cho tàu tàu thuyền ra khơi; kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đánh bắt xa bờ về nơi tránh, trú bão an toàn…

Sáng 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn phương án, phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai tỉnh về cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới và triều cường có thể xảy ra. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại cảng cá Trần Đề và khu vực neo đậu tàu tránh trú bão. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp, huy động tối đa các lực lượng để đảm bảo an toàn cho người dân ven biển, liên lạc với ngư dân để theo dõi tàu thuyền kêu gọi nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Đến chiều tối 1/11, tỉnh Sóc Trăng đã liên lạc và thông tin cho hơn 800 tàu đánh bờ xa bờ tìm nơi nơi tránh trú; rà soát nhanh các hộ dân ven biển có khả năng bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới để chủ động di dời khi cần thiết. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động gia cố nhà cửa, bờ bao để bảo vệ diện tích cây ăn trái và ao nuôi thủy sản…

Tại Trà Vinh, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đến 16 giờ ngày 1/11, toàn bộ 233/233 tàu cá của tỉnh với 1.165 ngư dân đang hoạt động ngoài khơi đã được lực lượng biên phòng kêu gọi vào bến neo đậu an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới để sẵn sàng di dời người dân khi xảy ra sự cố.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đã đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Biển Đông tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và thị trấn trên địa bàn tỉnh Bến Tre rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai. Các địa phương nhanh chóng rà soát lại số tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn; nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bắt trên biển; di dời các hộ dân vùng ven biển sang nơi ở kiên cố, an toàn; gia cố lại các công trình, ao tôm; phòng chống ngập úng cục bộ; ngừng các hoạt động tắm biển tại các khu du lịch ngoài biển…

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các bến đò ngang về các điền kiện an toàn; kiên quyết không cho phương tiện đò ngang đưa đón người trong thời gian xảy ra mưa, bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã yêu cầu cho hơn 78.000 học sinh từ cấp Mầm non cho đến Trung học Cơ sở của 3 huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại nghỉ học từ chiều 1/11 đến hết ngày 2/11 để đảm bảo an toàn.

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 3.800 tàu cá, trong đó có 2.700 tàu đánh bắt xa bờ. Thống kê cho thấy, số tàu thuyền vào bờ là 852 chiếc; số tàu thuyền xa bờ đã thoát khỏi vùng nguy hiểm là 547 chiếc. Số tàu thuyền còn lại đang trú ẩn an toàn tại các vùng biển của Cà Mau và Kiên Giang.

TTXVN/Báo Tin Tức

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu