Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 02:39 (GMT +7)
Cải cách hành chính là khâu đột phá chiến lược
Thứ 5, 23/02/2017 | 15:12:00 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 20 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, ngày 22/2, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Cải cách hành chính là một chủ trương lớn, là khâu đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước và Nhân dân rất quan tâm.
Các chủ trương, chính sách về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Đảng ta đề ra từ rất sớm, ngay từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới và thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội lần thứ X, XI và XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, được thể chế hóa trong Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước các giai đoạn 2001-2010 và 2011-2020. Quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật trong thời gian qua đã đạt được những chuyển biến đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong cải cách hành chính nói chung và trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nói riêng nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn xác định đây là công việc khó khăn, phức tạp và đang còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật và cả về tổ chức thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, xác định rõ những quan điểm, mục tiêu và nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; xác định những nguyên tắc, tiêu chí đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đánh giá bước đầu về kết quả và hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đối với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương…
Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ cho rằng các tiêu chí đánh giá kết quả tổ chức bộ máy hành chính cho thấy công tác đánh giá cán bộ rất yếu, nhất là đánh giá cán bộ công chức vào dịp cuối năm.
Dẫn lời nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời tại Quốc hội rằng, theo cách đánh giá có 0,4% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tiến sỹ cho rằng tiêu chí đánh giá này có vấn đề, công tác đánh giá không dựa trên kết quả hiện tại công việc. Nêu có rất nhiều chính sách liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cải cách bộ máy hành chính nhà nước, Tiến sỹ Hòa cho rằng cần có sự lựa chọn thích hợp các chính sách để đưa vào phạm vi giám sát.
Theo đó, các chính sách được lựa chọn giám sát phải có ý nghĩa quan trọng, chi phối cải cách tất cả các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống hành chính nhà nước hoặc tạo ra đột phá trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Với quan điểm này, Tiến sỹ cho rằng cần tập trung giám sát các chính sách về phân định rõ, phù hợp chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan hành chính nhà nước; chính sách bộ đa ngành, đa lĩnh vực; chính sách về bộ máy gọn nhẹ, giảm tầng nấc trung gian không cần thiết; chính sách phân biệt rõ chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn; chính sách về xã hội hóa.
Tiếp cận ở góc độ thực hiện chủ trương tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở nước ta, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông nêu đây là một xu thế tất yếu, thế giới cơ bản tổ chức theo đa ngành nên để hợp tác được, nước ta phải tương thích với mô hình của thế giới.
Ông Thông nhận định việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ, chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ; vẫn tồn tại sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của các bộ …
Nhấn mạnh cần xác định rõ mục tiêu của việc tổ chức bộ đa ngành không phải là nhằm giảm bớt số đầu mối của Chính phủ mà phải nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ông Thông cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, điều kiện thực tế của các bộ trước khi sáp nhập.
Việc tổ chức các bộ đa ngành phải được tiến hành đồng thời với việc tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu bên trong của các bộ, khắc phục tình trạng lắp ghép, sáp nhập cơ học. Chỉ khi sắp xếp lại cơ cấu bên trong bộ một cách khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới thì mới có thể hình thành được một cấu trúc hợp lý- ông Thông lưu ý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhấn mạnh chủ trương sắp xếp, điều chỉnh, tinh giảm đầu mối Chính phủ, kiện toàn các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh những thành tựu và kết quả trong tiến trình cải cách, tinh giản bộ máy Chính phủ đáng ghi nhận trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập cần tiếp tục phải điều chỉnh, trong đó cần tiếp tục cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn hơn theo yêu cầu tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở làm rõ Nhà nước làm đúng việc của mình, còn chuyển giao cho xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội bằng chính sách xã hội hóa.
Theo ông Phúc đây vẫn là một thách thức trong tiến trình cải cách cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn theo hướng tiếp tục giãn số lượng bộ, cơ quan ngang bộ.
Ông Phúc đánh giá các chủ trương đẩy mạnh phân cấp – phân quyền Trung ương – địa phương tiến hành chậm chạp, còn lúng túng trong việc định rõ việc của Chính phủ, Trung ương làm và chỉ Trung ương làm, còn có việc phải phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương theo hướng việc nào địa phương làm tốt thì phân cấp để đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm…
Thông tin từ Hội thảo là những luận cứ khoa học và thực tiễn cần thiết cho Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai công việc trong thời gian tới.
Ý kiến ()