Tất cả chuyên mục

Để tạo điều kiện cho người dân có vốn sản xuất, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Đước chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trong huyện cố định thời gian, địa điểm giao dịch trong tháng kết hợp tổ chức giao ban định kỳ nhằm kiểm tra nguồn vốn và đánh giá chất lượng tín dụng.
Qua kiểm tra nguồn vốn và đánh giá chất lượng tín dụng hàng tháng, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cần Đước kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn theo nhu cầu của các xã, qua đó giúp hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế. Điển hình như tại xã Tân Ân, một trong 12 xã nông thôn mới của huyện Cần Đước, từ đầu năm 2020 đến tháng 8/2020, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ vốn vay cho 125 lượt người dân địa phương với số tiền trên 3,5 tỷ đồng nâng tổng dư nợ tại địa phương gần 19 tỷ đồng với 740 khách hàng vay vốn.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cần Đước giải ngân vốn cho người dân xã Tân Ân
Thông qua các tổ chức chính trị xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, nguồn vốn này phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện dự án giải quyết việc làm giảm nghèo, hỗ trợ học tập cho học sinh-sinh viên, chương trình nước sạch-vệ sinh môi trường… Nổi bật là nông dân địa phương có thêm điều kiện hiện đại hóa sản xuất, chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang mô hình nuôi tôm công nghiệp và công nghệ cao. Theo đó, trên180 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn trên 8 tỷ đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Vừa hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, vừa tăng cường kiểm tra vốn hàng tháng, giúp cho phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện quản lý nợ đến hạn, nợ quá hạn; đồng thời, nâng cao tỷ lệ thu lãi, tỷ lệ gửi tiết kiệm của các tổ, kịp thời phát hiện vướng mắc của từng hộ để có phương án khắc phục, đồng hành cùng các hộ dân thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi.
Cẩm Tú
Ý kiến ()