Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:13 (GMT +7)
Cảnh báo nguy cơ bệnh do phế cầu khuẩn ở trẻ em
Thứ 5, 08/03/2018 | 10:24:00 [GMT +7] A A
Đây là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện trẻ bị viêm phổi, viêm màng não phải nhập viện điều trị do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay bệnh viện đã điều trị 2 ca bị viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn. Trong đó có 1 ca trẻ 9 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nặng và tử vong sau 12 giờ nhập viện.
Những loại bệnh do phế cầu khuẩn thường điều trị rất khó và chi phí điều trị cao. |
Còn tại bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây cũng có đến 4 trẻ bị viêm phổi, viêm màng não mủ nằm điều trị do phế cầu khuẩn. Theo bệnh viện này, các bé mắc bệnh chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Cà Mau.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết, trẻ bị viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn thường rất nặng, điều trị kéo dài và để lại nhiều di chứng như nhiễm trùng; áp xe trong não thậm chí có những trường hợp trẻ phải mổ đầu 3 – 4 lần để hút mủ. Bên cạnh đó chi phí điều trị cho những ca này thường rất tốn kém, trùng bình 100 triệu đồng/ca, bởi trẻ phải dùng nhiều loại kháng sinh và điều trị dài ngày.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, bệnh dễ lây qua đường tiếp xúc, có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm nhà bẩn, hệ miễn dịch yếu, nhập viện thường xuyên, sử dụng máy thở, mắc bệnh tiến triển như COPD, hen suyễn, tim mạch, hút thuốc lá…
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, tiêm chủng là một trong những biện pháp được khuyến cáo đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao. Một số vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn đã lưu hành tại Việt Nam như Preumo 23 (vắc xin polysacharide đơn thuần gồm 23 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PPV23) được khuyến cáo có thể dùng cho trẻ trên 2 tuổi và các đối tượng nguy cơ cao; Synflorix (vắc xin polysacharide cộng hợp gồm 10 thành phần kháng nguyên, ký hiệu là PCV10) chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.
Bên cạnh dự phòng bằng vắc xin thì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc vẫn được khuyến cáo mạnh mẽ đến toàn cộng đồng như giữ môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ; đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm rất nhiều hoa quả, rau, chất xơ và protein nạc. Uống nhiều chất lỏng giúp loại bỏ sự tắc nghẽn, bổ sung vitamin C, kẽm để tăng sức đề kháng.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng, sử dụng dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn bất cứ khi nào bạn không thể rửa tay. Giữ trẻ em và trẻ sơ sinh hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc cúm. Đảm bảo giữ ấm cho trẻ; giữ cho mũi trẻ sạch và khô; dạy con hắt hơi và ho vào khuỷu tay thay vì dùng tay. Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ, nhất là khi đang phục hồi từ bệnh cảm lạnh hay bệnh khác. Tới các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ.
Ý kiến ()