Tất cả chuyên mục

Từ năm 2016 đến nay, nhiều cây cổ thụ có giá trị về văn hóa, lịch sử trên đất Long An đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Không chỉ gắn liền với các di tích lịch sử, mà dưới những tàng cây ấy còn bao nhiêu lớp trầm tích văn hóa gắn với cộng đồng hàng trăm năm….
Cây trôm trước chùa Diêu Quang tại phường Khánh Hậu, TP. Tân An
Cây trôm mõ trước cổng chùa Diêu Quang, phường Khánh Hậu, TP.Tân An là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận cây di sản VN vào năm 2016. Cây trôm này gắn liền với lịch sử khẩn hoang đất Nam bộ. Theo cố nhà văn, nhà Nam bộ học – Sơn Nam, khi dòng họ Nguyễn Huỳnh Đức vào khai hoang lập ấp, đất Giồng Cái Én còn là rừng nguyên sinh rất hoang sơ, trong đó có cây trôm đã hơn 50 năm tuổi. Đến nay, cây ước chừng 350 tuổi, phần ngọn có đường kính 32,5m, bộ rễ của cây tỏa đều và nổi lên, có rễ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,6m, hình thù cổ quái, ấn tượng.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Triều cùng với PV bên gốc cây trôm cổ thụ
Theo ông Nguyễn Huỳnh Triều – (truyền nhân đời thứ 7 của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức),
phường Khánh Hậu, TP.Tân An thì cây trôm và ngôi chùa chính là hai biểu tượng tâm linh của người dân vùng đất gò Khánh Hậu từ xưa cho đến bây giờ. “Những ngày rằm người dân địa phương kể cả khách thập phương thường về đây cầu nguyện cho quốc thới dân an. Cây trôm này còn có bài thơ dân gian ca tụng được truyền khẩu lại: Nơi thông Tường Khánh có cây trôm/ Cổ thụ lâu đời đứng tụ xôm/ Cành lá xum xuê che Phật tử/ Thân đồng sừng sững cản mưa nồm/ Bốn mùa luân chuyển phô bông thắm/ Tám tiết vần xoay nhả mủ thơm/ Bảo táp mưa sa càng dứng vững/ Đời đời sống mãi nảy chồi đơm” – ông Nguyễn Huỳnh Triều chia sẻ.
Hơn 300 năm cây trôm mỏ vẫn trơ gian cùng tuế nguyệt, vẫn đứng đó chứng kiến bao cuộc thắng trầm của vùng đất giàu bản sắc này
Hầu hết Cây di sản Việt Nam trên đất Long An đều mọc gần đình, chùa, miễu – những nơi thờ tự tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Và đây cụm 10 cây me cổ thụ gần 300 năm tuổi tại chùa Rạch Núi, Tổ đình Linh Sơn, ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, được công nhận cây di sản VN năm 2018. Những cây me này gắn liền với ngôi chùa cổ và tín ngưỡng tâm linh, được cư dân quý trọng, bảo vệ. Cùng với các di chỉ khảo cổ học được thám sát, khai quật, các nhà khảo cổ đoán định tại chùa Rạch Núi, hơn 3.000 năm trước, người tiền sử đã ở và sinh sống bằng nghề hái lượm. Trải qua nhiều thế kỷ, mà con cháu đời sau vẫn được hưởng bóng mát từ cây. Đó là những giá trị to lớn mà những thế hệ đi trước đã gìn giữ phát huy để lại cho muôn đời sau.
Một trong những cây me trong quần thể cây cổ thụ tại chùa Rạch Núi, Tổ đình Linh Sơn, ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc
Hòa thượng Thích Huệ Bạch – Trụ trì chùa Rạch Núi, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc cho biết: “Những cây me cổ thụ này thì chùa rất trân trọng, xem như bảo vật vì nó tôn nên sự cổ kính cho chốn tôn nghiêm này, nên chùa hết mình bảo vệ nó. Nay thì được công nhận là cây di sản Việt Nam nữa thì nó càng tăng thêm giá trị cho những cây me của chùa”
Những cậy me cổ thụ tôn thêm vẻ cổ kính của ngôi chùa lâu đời
Tính chung trên toàn tỉnh, hiện có 17 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam; 1 số cây cổ thụ khác cũng đang được gửi hồ sơ trình Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN công nhận là cây di sản VN.
Tiếc rằng một vài cây đã bị sét đánh trúng
Nói về qui chế công nhận cây di sản Việt Nam, Ông Hồ Nhuận Đăng Sơn – Thư ký hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An cho biết: “Khi có những thông tin để đề xuất công nhận cây di sản thì theo qui định sẽ xét theo các tiêu chí như: Đối với cây trồng thì có tuổi cây trên 100 năm, còn đối với cây tự nhiên thì có tuổi cây trên 200 năm. Cây có dáng cao to, hùng vĩ, có giá trị về các đặc điểm sinh học, về môi trường và giá trị về văn hóa lịch sử…”
Hòa thượng Thích Huệ Bạch – Trụ trì chùa Rạch Núi, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc
“300 năm mấy kiếp người. Nơi ta ở có cuộc đời tổ tiên”….các cây cổ thụ đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lớn lên cùng đất, cùng người, cây có hồn cốt cha ông trong đó, nhìn cây, ta tưởng nhớ người xưa, nhớ cội nguồn tổ tiên. Bởi thế mà cây di sản là một biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thiêng liêng trong không gian văn hóa Việt. Đó, không đơn thuần là một cá thể thực vật mà nó gắn với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng cần được giữ gìn và phát huy giá trị./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()