Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 07:06 (GMT +7)
Chấm dứt cho vay đảo nợ để giảm nợ xấu
Thứ 7, 18/02/2017 | 09:11:00 [GMT +7] A A
Kể từ ngày 15/3 tới, khách hàng không còn được phép vay vốn để đảo nợ. Tuy nhiên, thay vào đó khách hàng vẫn được vay tuần hoàn nhưng chỉ áp dụng với doanh nghiệp không có nợ xấu.
Sẽ giảm 50% doanh nghiệp vay không đúng mục đích
Theo Thông tư 39 của Ngân hàng nhà nước (NHNN), một số quy định về phương thức cho vay đã được NHNN bổ sung cho phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng, như cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn, cho vay lưu vụ..
Việc áp dụng Thông tư 39 sẽ hạn chế tình trạng việc các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ
vay vốn để đảo nợ.
Trong đó, một số phương thức cho vay được quy định chặt chẽ và có điều kiện áp dụng. Cụ thể, phương thức cho vay tuần hoàn chỉ áp dụng đối với khoản vay ngắn hạn và khách hàng không có phát sinh nợ xấu… Như vậy, kể từ ngày 15/3/2017 việc chấm dứt cho vay đảo nợ sẽ được thực hiện theo Thông tư 39.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín cho biết, trong quy chế cho vay cũ 1627 của NHNN ban hành từ năm 2002 do không cấm về cho vay đảo nợ và chỉ nói là thực hiện theo quy định riêng của NHNN. Trong khi đó, quy chế này cũng không hướng dẫn gì cụ thể về quy định riêng của NHNN nên các ngân hàng thương mại (NHTM) cho rằng, những gì không cấm thì họ được phép làm.
“Chính vì vậy, từ năm 2001 đến nay, các NHTM đã “ầm ầm” cho vay đảo nợ mà không cần quan tâm khách hàng của mình có khả năng trả nợ được hay không. Điều này vô tình đã làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, cùng với đó nhiều NHTM, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và yếu kém càng thêm yếu kém vì không trích lập quỹ dự phòng theo quy định của NHNN”, TS.LS Tín chia sẻ.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản đảm bảo.
Do vậy, với việc chấm dứt cho vay đảo nợ theo Thông tư 39 được TS.LS Tín tin rằng sẽ giảm đi 50% số doanh nghiệp (DN) vay vốn không đúng mục đích, chủ yếu nhằm đảo nợ do mất khả năng trả nợ, hoặc bị nợ xấu. Theo đó, TS.LS Tín kỳ vọng việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, qua đó sức khỏe hệ thống ngân hàng cũng sớm được cải thiện.
Nợ xấu sẽ giảm
Có thể thấy, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng lợi dụng kẽ hở của quy chế cho vay cũ 1627 để cho vay đảo nợ, một mặt để tăng dư nợ, mặt khác tăng lợi nhuận. Điều này đã tạo điều kiện và kẽ hở cho các DN có nhiều nợ xấu vay, khiến tình trạng nợ xấu ngày càng tăng.
Theo TS Tín, thực tế vừa qua, đã có nhiều ngân hàng nhỏ không trích lập dự phòng theo Thông tư 06 và Thông tư 02 của NHNN, điều này minh chứng việc nhiều NHTM do có nợ xấu nhiều nên giấu đi việc trích lập dự phòng, hoặc trích lập dự phòng không đầy đủ, trong đó nguyên nhân áp dụng hình thức đảo nợ.
Cụ thể, cuối năm ngoái, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gây sốc cho thị trường khi thông báo phát hành thành công 930 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng. Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng, đây là giải pháp đảo nợ được HAGL và chủ nợ (một ngân hàng thương mại) tiến hành, bởi doanh nghiệp này đang nợ các ngân hàng lên tới gần 26.000 tỷ đồng. Nếu không “đảo nợ”, HAGL có thể lâm vào tình thế khó khăn, gây sức ép không chỉ với doanh nghiệp mà với cả ngân hàng.
Điều này cho thấy, tình trạng ngân hàng trở thành “tù binh” của doanh nghiệp ở trong tình cảnh bị “ép” phải cho vay đảo nợ để làm sạch sổ sách, giảm nợ xấu không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.
Mãi đến khi Công văn 6096 của NHNN nhắc lại Công văn 7046 về việc cấm cho vay tuần hoàn, các ngân hàng buộc và phải tuân thủ theo Công văn 7046. Tuy nhiên, việc nghiêm cấm cho vay tuần hoàn lại được nhiều ngân hàng hiểu ngầm là không không cho vay theo hạn mức và không cho vay tín dụng. Do đó, nhiều NHTM đã gửi công văn lên NHNN hỏi rõ chính xác vấn đền này. Chính vì vậy, Thông tư 39 ra đời nhằm giải đáp cho các NHTM hiểu rõ hơn về cho vay tuần hoàn.
Việc chấm dứt cho vay đảo nợ của NHNN được giới chuyên gia đánh giá cao, bởi khi đó chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu, sức khỏe ngân hàng và sức khỏe doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận thực chất hơn, tránh tình trạng “bệnh nan y nhưng lại chỉ được cấp thuốc hạ sốt”. Do đó, nợ xấu chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Ý kiến ()