Thứ Sáu, 10/01/2025 23:11 (GMT +7)

Chính phủ báo cáo Quốc hội: Xử lý nghiêm vi phạm về mua sắm thiết bị y tế

Thứ 4, 05/01/2022 | 08:58:55 [GMT +7] A  A

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó Thanh tra Chính phủ có kế hoạch triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Các đơn vị, cá nhân có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc ứng phó với biến thể Omicron; việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.

Về đích sớm trong phủ vaccine 

Báo cáo nhấn mạnh, xác định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của vaccine, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể.

Đến 1/1/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 192 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó mua từ ngân sách nhà nước là 96,9 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là 95,1 triệu liều. Việc tiếp nhận, phân bổ vaccine được thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, có tập trung vào đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao.

Cũng đến hết ngày đầu tiên của năm 2022, cả nước đã tiêm được hơn 152,8 triệu liều vaccine. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu WHO khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.

Về việc tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Chính phủ cho biết, WHO và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định dịch chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện cá biện pháp phòng, chống dịch.

Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực tế, Việt Nam đang triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Đến nay, biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, tăng gánh nặng hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, tập trung ưu tiên giảm ca nặng, giảm tử vong.

Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm

Đề cập việc công khai thông tin về giá, kết quả đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm, Chính phủ cho biết, theo quy định của Luật giá, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế, trong đó sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 không thuộc mặt hàng nhà nước quản lý giá và bình ổn giá.Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế  kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá.

Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch

UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Chính phủ sẽ sớm có quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này.Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TPHCM; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành địa phương xây dựng kết hoạch thanh tra năm 2022 về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Về việc công khai thông tin về giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đã ban hành quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, trong đó yêu cầu các đơn vị đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hướng dẫn việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu trên website của Bộ này. Chính phủ cho biết đã có hơn 93.000 kết quả đấu thầu được công khai, trong đó có 3.938 kết quả về sinh phẩm xét nghiệm.Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ Y tế đã có các công văn hướng dẫn các địa phương trong việc công khai giá, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm. Mức giá mua sắm cho mỗi loại sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau theo từng giai đoạn và khả năng cung ứng của nhà sản xuất.Chính phủ cũng nhấn mạnh thời gian tới triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 12 của UBTVQH về bình ổn giá trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, các nghị quyết, nghị định của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế trong đó quản lý chặt chẽ việc kê khai giá và công khai giá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cá đơn vị, cá nhân có vi phạm trong việc mua sắm, đấu thầu; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó xác định lộ trình xây dựng Luật Trang thiết bị y tế./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu