Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:50 (GMT +7)
Chính sách miễn học phí
Thứ 3, 26/07/2022 | 15:59:36 [GMT +7] A A
Mới đây, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về miễn học phí cho tất cả học sinh THCS toàn quốc từ năm học 2022-2023 đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Việc miễn học phí chắc chắn sẽ giúp bảo đảm quyền được học cho tất cả trẻ em, đặc biệt là con nhà nghèo.
Tuy nhiên, quyền được học và quyền được học miễn phí là hai chuyện khác nhau. Bảo đảm quyền được học là bảo đảm công bằng; bảo đảm quyền được học miễn phí là bảo đảm bình đẳng.
Trong nền kinh tế thị trường, do thu nhập của các gia đình trong xã hội rất khác nhau, nên cơ hội học tập của các trẻ em cũng rất khác nhau. Con nhà giàu có thể được học ở các trường chất lượng cao với mức học phí lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Con nhà nghèo không vào học trường công, thì nhiều khi không đủ tiền để học ở các trường ngoài công lập. Như vậy, quan trọng là chúng ta phải phấn đấu để bảo đảm quyền được học cho tất cả các trẻ em. Chính sách miễn học phí cần phải hướng đến mục tiêu này.
Thật ra, khi chính sách miễn học phí cho học sinh THCS được triển khai, thì sự bình đẳng sẽ đạt được trong các trường công. Hầu hết các em học sinh ở nông thôn cũng sẽ được hưởng lợi bình đẳng từ chính sách này, vì về cơ bản, các trường ở nông thôn đều là trường công. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn đối với học sinh ở thành phố. Lý do là vì ở các thành phố, các trường phổ thông rất đa dạng. Ngoài các trường công lập, ở nhiều thành phố còn có các trường dân lập, các trường tư thục, các trường có yếu tố nước ngoài và các trường quốc tế. Đó là chưa kể tới hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Chưa có một thống kê chung cho tất cả các thành phố, nhưng ở Hà Nội, số học sinh THCS học ở các trường ngoài công lập là không nhỏ.
Chính sách miễn học phí phải được thiết kế phù hợp tình hình thực tế nói trên. Dưới đây là một vài phân tích để các nhà hoạch định chính sách tham khảo.
Có lẽ, trong bối cảnh của Việt Nam, chúng ta cần quan tâm nhiều nhất đến thực tế con nhà nghèo học trường tư (ngoài công lập). Ở nhiều nước trên thế giới, thông lệ là con nhà giàu học ở trường tư, con nhà nghèo học ở trường công. Trường tư có chất lượng cao hơn, nhưng phải trả học phí (và nhiều khi mức học phí rất cao). Trường công có chất lượng không cao bằng, nhưng được miễn phí. Rất tiếc, đây không phải là thông lệ ở nước ta. Ở nước ta, đại đa số các trường công có chất lượng cao hơn các trường tư, ngoại trừ một số ít các trường tư đặc biệt. Học ở trường công phải đóng học phí thấp hơn; học ở trường ngoài công lập phải đóng học phí cao hơn. Không ít gia đình có con đang học trường tư đóng học phí cao hơn cho việc học THCS của con mình.
Bây giờ, nếu việc miễn học phí cho học sinh THCS toàn quốc được triển khai, thì chính sách này sẽ được áp dụng cho các trường ngoài công lập như thế nào? Có hai cách áp dụng. Cách thứ nhất, Nhà nước sẽ trả học phí cho tất cả học sinh THCS ở các trường ngoài công lập. Cách làm này sẽ bảo đảm được sự bình đẳng cho tất cả các em học sinh. Tuy nhiên, khó khăn của cách áp dụng chính sách này là mức học phí ở các trường ngoài công lập rất khác nhau. Các quy định pháp lý liên quan đến tài chính công lại không thể đủ uyển chuyển để đáp ứng được sự đa dạng của các mức học phí như vậy. Cách thứ hai, Nhà nước sẽ trợ cấp cho tất cả học sinh học ở các trường ngoài công lập một khoản tiền tương đương với học phí của các trường công. Phần chênh lệch, gia đình của các học sinh sẽ phải đóng thêm. Cách làm này khả thi hơn về mặt pháp lý, nhưng quả thật, các em học sinh học các trường ngoài công lập chỉ được giảm học phí, chứ không được miễn học phí như chính sách đã đề ra.
Cuối cùng, cho dù là phương án Nhà nước chi trả toàn bộ học phí hoặc phương án Nhà nước trợ cấp một phần học phí cho các học sinh THCS được lựa chọn, thì không biết điều này có nhất thiết phải được áp dụng đối với con cháu của các gia đình có điều kiện kinh tế hay không? Đối với mức học phí lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, thì Nhà nước chi trả-sẽ không công bằng, còn Nhà nước trợ cấp-sẽ không đáng kể. Nên chăng, có thể không áp dụng chính sách miễn học phí đối với các cháu thuộc các gia đình này. Suy cho cùng, công bằng chính là bình đẳng về cơ hội. Tạo cơ hội cho tất cả trẻ em đều được học THCS mới là mục tiêu tối thượng của chính sách miễn học phí.
Nhân Dân Online
Ý kiến ()