Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 18:37 (GMT +7)
Chợ nông sản hay chợ chim trời?
Thứ 7, 13/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Có một ngôi chợ “đặc biệt” nằm ven QL62 thuộc khu phố 3 thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa với tên gọi “chợ nông, lâm sản”; nhưng không biết từ khi nào, người ta đã thay thế nó bằng tên gọi mới “chợ chim trời” hay “siêu thị chim trời”. Điều này không những làm mất đi hình ảnh đẹp của một ngôi chợ đặc trưng mang đậm hơi thở vùng Đồng Tháp Mười mà còn khiến nhiều người lo ngại, việc bẫy bắt, mua bán tràn lan, công khai chim trời sẽ khiến những đàn chim trời ở miền Tây sớm bị tận diệt.
Khu chợ là những dãy nhà tạm với khoảng 40 hộ kinh doanh, trong đó, có 19 hộ buôn bán chim trời, động vật hoang dã. Đến đây, hẳn sẽ phát ngộp bởi tầng lớp những lồng nhốt đầy các loại chim trời, chim nước như: cúm núm, vạc, chim trĩ, cò óc, vịt trời, le le, gà nước…cùng hàng loạt các lồng sắt, xô, chậu nhốt chuột, rắn….Ngoài những loài chim còn sống còn có những chú chim, cò đã được nhổ lông, khò lửa và xỏ xâu treo ngược chờ khách đến mua. Nơi đây đã trở thành chợ chim trời lớn nhất miền Tây và nguồn gốc của các loài chim, cò này cũng được “tập kết” từ chính các tỉnh miền Tây này đổ về, trong đó có Long An.
Chợ chim trời. Nguồn Internet
Bên đây Quốc lộ 62, thị trấn Thạnh Hóa, mọi hoạt động mua bán chim trời diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều muộn, bên kia đường là tấm bảng tuyên truyền của chính quyền địa phương kêu gọi bảo vệ sinh vật hoang dã, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt các loài vật có trong danh sách cần bảo vệ.
Riêng trong năm 2015, ngành kiểm lâm đã nhiều lần kiểm tra đột xuất tại chợ nông, lâm sản Thạnh Hóa và xử lý gần 50 triệu đồng đối với các hành vi mua bán động vật hoang dã trong danh mục cấm.
Trước đây, đến mùa thu hoạch nông sản hay thủy sản mùa lũ, người dân địa phương thường mang ra ven Quốc lộ 62 bán cho khách đi đường với đủ loại mặt hàng như khoai mỡ, khoai mì, ngó sen, khóm, cá đồng, khô đồng…. Buôn bán hiệu quả nên từ năm bảy hộ nhỏ lẻ hình thành nên khu chợ như ngày nay. Cứ thế, lượng khách đến khu chợ “đặc biệt” này ngày một đông. Giờ đây, ngoài mặc hàng nông – lâm – thủy sản của các huyện ĐTM còn có rất nhiều nông sản ở các tỉnh thành miền Tây tập trung về đây. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều khách du lịch, người dân các tỉnh, nhất là TP.HCM biết tiếng và đến đây tham quan, mua sắm không phải bởi những nông sản này mà chính là các “đặc sản” chim trời, động vật hoang dã.
Long An đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TP.HCM mà một trong những sản phẩm du lịch đặc thù là đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsar của thế giới; chắc chắn, tương lai không xa, lượng khách đến với Đồng Tháp Mười sẽ ngày càng nhiều hơn. Trong đó, chợ nông-lâm sản ĐTM sẽ là điểm nhấn, điểm tham quan, mua sắm đầy tiềm năng để giới thiệu những đặc sản của địa phương, quảng bá hình ảnh của Long An đến với du khách. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần phải quy hoạch và xây dựng lại khu chợ sạch sẽ, khang trang hơn và nhất là vấn đề bày bán chim trời, động vật hoang dã phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Hy vọng, trong tương lai gần, “chợ chim trời” sẽ được trả về đúng tên gọi “chợ nông-lâm sản” như những ngày đầu mới hình thành để nơi đây không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là một điểm đến văn hóa mang đậm hơi thở vùng Đồng Tháp Mười./.
Duy Huệ – Đức Cảnh
Ý kiến ()