Thứ Sáu, 01/11/2024 17:30 (GMT +7)

Cho vay mua ô tô nhiều rủi ro

Thứ 7, 12/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Chưa bao giờ, nhu cầu mua ô tô của người Việt cao như trong năm 2015. Chỉ tính vài tháng vừa qua, lượng ô tô tiêu thụ trong cả nước luôn ở mức kỷ lục và lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số toàn thị trường tính từ đầu năm đến nay đã cán mốc 200.000 xe/năm.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã đua nhau tung các gói cho vay mua ô tô với lãi suất hấp dẫn, đơn giản thủ tục để gia tăng tín dụng cuối năm.
Sôi động thị trường
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) mới đây cho biết, trong tháng 11/2015, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.706 xe, tăng 33% so với tháng 10 và tăng 86% so với cùng kỳ năm 2014. Tính 11 tháng, doanh số toàn thị trường đạt 215.517 xe, tăng 57% so với cùng kì năm ngoái và dự kiến kết thúc năm 2015, tổng số toàn thị trường sẽ đạt hoặc vượt mức kỷ lục 220.000 xe bán ra, đánh dấu mốc quan trọng cho thị trường ô tô Việt Nam.

Chương trình quảng cáo cho vay mua ô tô của Ngân hàng Bản Việt trong tháng 12.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường ô tô tăng mạnh một phần do nhiều người tranh thủ mua để tránh bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng khi TPP chính thức có hiệu lực. Bởi khi thuế nhập khẩu ô tô có thể giảm, nhưng thuế tiêu thụ và thuế trước bạ sẽ không thay đổi, thậm chí còn tăng để hạn chế việc mua ô tô ồ ạt khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được lưu lượng xe ô tô phát triển.

Mặt khác, việc triển khai ứng dụng gọi taxi như Uber, GrabCar đang ngày càng được người dân tiếp nhận nên nhiều công ty, cá nhân đã đặt mua nhiều xe ô tô để kinh doanh vận chuyển theo loại hình trên. Đây cũng là lí do khiến một số hãng xe có lượng bán ra tăng đột biến trong thời gian qua. Có thể thấy, Thaco Trường Hải có lượng xe tiêu thụ cao nhất và tiếp tục là hãng xe dẫn đầu thị trường, giữ vị trí số 1 về doanh số bán hàng. Bám sát vị trí thứ 2 là Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3.
Anh Minh Tâm, một tài xế chạy xe Uber cho hay hiện anh đang lái thuê cho một công ty vận tải khách. Chiếc xe Kia morning anh đang chạy là một trong 50 chiếc mà chủ xe vừa mới đầu tư được hơn 1 tháng nay để phục vụ cho vận tải khách Uber. Một tài xế của GrapCar cũng cho biết anh mới chạy xe được 1 tháng nay, chiếc xe đang lái là từ tiền vay ngân hàng. Tuy nhiên, để mua được xe này, anh cũng phải đợi gần 1 tháng mới có vì xe dạng nhỏ đang rất “hút” khách.
Cần phương án trả nợ hợp lý
Trước nhu cầu mua ô tô tăng mạnh, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh cho vay để tăng trưởng tín dụng cuối năm. Theo đó, nhiều ngân hàng đã không ngừng tung ra những gói tín dụng ưu đãi về lãi suất, đơn giản thủ tục để gia tăng tín dụng cuối năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa tung ra chương trình cho vay mua ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ 6,8%/năm. Chương trình áp dụng cho cả xe ô tô mới và xe cũ đã qua sử dụng hoặc vay bù đắp vốn tự có đã dùng mua xe. Mức cho vay tối đa lên đến 75% khi bảo đảm bằng chính xe mua và 100% khi bảo đảm bằng tài sản khác. Ngoài ra, khách hàng còn được miễn hoàn toàn các khoản phí khi trả nợ trước hạn, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian duyệt hồ sơ. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng lại tung ra chương trình “vay mua xe ô tô siêu tốc” trong vòng tối đa 8 giờ sau khi nộp hồ sơ dành cho khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô mới. Lãi suất vay mua xe cũng rất linh hoạt từ 7,49%/năm hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm trong suốt thời gian vay tùy theo chương trình khuyến mãi…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức lãi suất cho vay mua xe của các ngân hàng năm nay thông thoáng, dễ chịu hơn nên lượng người vay mua ô tô để sinh hoạt cũng như để kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Song, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người vay cũng cần cẩn thận bẫy lãi suất, nếu không tính toán kỹ thì việc vay mua ô tô có thể trở thành gánh nặng do có nhiều rủi ro. Bởi việc áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ thực hiện từ 6 tháng hoặc một năm đầu, sang năm thứ 2, lãi suất áp dụng thả nổi theo thị trường. Nếu vay mua ô tô để phục vụ sinh hoạt cá nhân thì cần tính toán phương án trả nợ hợp lý. Vì vay mua ô tô có thể lên tới 70% giá trị xe, nhưng thời gian trả nợ chỉ có 5 năm. Do đó, nếu rủi ro mất khả năng trả nợ thì có thể bị ngân hàng tịch thu tài sản. “Người vay nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là khoản về lãi suất và mức phạt trả nợ trước hạn. Ngoài ra, số tiền gốc và lãi phải trả hằng tháng cũng không nên quá 50% thu nhập để đảm bảo khả năng trả nợ”, ông Hiếu khuyến cáo.
Với ngân hàng, rủi ro có thể nhiều hơn vì giá trị thế chấp cho vay mua xe lại chính là chiếc xe đó. Một cán bộ tín dụng Ngân hàng Agribank chi nhánh Vũng Tàu chia sẻ: “Chi nhánh đã từng phải truy tìm một chiếc xe được chính ngân hàng cho vay tín dụng mua ô tô. Thế nhưng, việc tìm ra chiếc xe để tịch thu cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng làm giả giấy tờ xe thế chấp cho nhiều người khác, dẫn đến kiện tụng. Ngân hàng muốn thắng kiện thì “má” cũng đã sưng vì mất thêm các khoản phí lưu kho cũng như phí kiện tụng. Chưa kể, thu hồi xe được rồi lại phải mất thêm công đoạn đấu giá tài sản, chưa chắc lại thu hồi được đúng khoản nợ cho vay do hầu hết giá trị xe không còn lớn…”. Chính vì rủi ro trên, nhiều ngân hàng yêu cầu tất cả các xe dùng làm tài sản đảm bảo đều phải mua bảo hiểm có giá trị tương đương 150% giá trị khoản vay.
Bài và ảnh: Hải Yên- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu