Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 14:49 (GMT +7)
Chống thất thu trong chuyển giá còn lỏng lẻo
Thứ 3, 14/03/2017 | 09:45:00 [GMT +7] A A
Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Từ trước đến nay do chưa có các quy định cụ thể nên sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan về chống thất thu trong chuyển giá còn khá lỏng lẻo.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 13/3, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ; giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế đang diễn ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý giá chuyển nhượng.
Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN.
Có doanh nghiệp FDI đã tìm mọi cách nâng chi phí đầu vào như thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư/đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ) để doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi ít nên không phải nộp hoặc nộp ít thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì vậy theo ông Hiếu, ngành thuế và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để điều tra, thẩm định những công ty có dấu hiệu báo lỗ những vẫn mở rộng đầu tư; công tác thanh tra phải công khai, minh bạch khi xử lý vi phạm; chế tài xử phạt rõ ràng như cảnh cáo, đóng cửa kinh doanh…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM), Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư đều chưa đề cập đến khái niệm chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Hiện chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để cơ quan đăng ký đầu tư quản lý giá chuyển nhượng qua các giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá trong doanh nghiệp FDI; sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và các cơ quan khác nhằm theo dõi hành vi chuyển giá cũng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hiện hành.
“Từ trước đến nay do chưa có các quy định cụ thể nên khi cơ quan thuế cần sẽ phải làm văn bản gửi tới các đơn vị đề nghị phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin. Mặc dù phần lớn các đơn vị có cung cấp nhưng chưa coi đó là trách nhiệm của mình. Hiện Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá. Trong đó có quy định rõ trách nhiệm phối hợp của 7 đơn vị liên quan bao gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin- Truyền thông, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nói.
Theo Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), thanh tra giá chuyển nhượng là lĩnh vực phức tạp, thường liên quan đến các công ty đa quốc gia và các vấn đề thuế quốc tế, cán bộ thanh tra không chỉ phải đấu tranh với doanh nghiệp mà còn đấu tranh với đội ngũ tư vấn, luật sư dày dạn kinh nghiệm nên cuộc thanh tra giá chuyển nhượng thường kéo dài hơn so với các cuộc thanh tra thông thường.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cơ quan thuế chưa thực hiện mua cơ sở dữ liệu thương mại thì cần tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế.
Theo Cục thuế TP.HCM, thanh tra hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp vẫn đang là một trong lĩnh vực được chú trọng. Mục tiêu năm 2017 thanh tra khoảng 109 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên để hoạt động chuyển giá có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan thuế còn cần có sự chung tay của nhiều cơ quan liên quan; hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cấp Thông tư 66/2010/TT-BTC về chuyển giá lên Nghị định hoặc Luật. Bên cạnh đó, vì hoạt động chuyển giá là chuyển thu nhập từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp nên cần xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam không quá chênh lệch với thuế suất của các nước trong khu vực.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần ban hành dữ liệu tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành hoặc sử dụng dữ liệu ngành thống kê để ấn định nếu các doanh nghiệp kê khai dưới ngưỡng. Đây là vũ khí sắc bén để cơ quan Thuế khi thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tránh khiếu nại, khiếu kiện.
“Tổng cục Thuế xúc tiến việc mua quyền khai thác các dữ liệu thương mại để làm dữ liệu so sánh, phân tích phục vụ cho công tác thanh tra giá chuyển nhượng. Đồng thời, tăng cường sử dụng công cụ chống chuyển giá hữu hiệu trên thế giới là quyền xác định giá, thương thảo giá trước (phương thức APA) đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng”, đại diện Cục thuế TP.HCM kiến nghị.
Minh Phương
Ý kiến ()