Sáng 19/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế tại thủ đô Manila, Philippines, Hội nghị Cấp cao lần thứ 23 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc trọng thể. Đây là lần thứ hai Philippines đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC sau gần hai thập kỷ kể từ Hội nghị tại Subic vào năm 1996. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã chủ trì đón các Nguyên thủ và Lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế thành viên. Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, khẳng định trong cục diện quốc tế mới, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, hợp tác ngày càng sâu rộng và đóng góp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm ở khu vực và trên thế giới.
Ngay sau Lễ khai mạc, các nhà Lãnh đạo APEC đã họp Phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”. Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, hướng tới hiện thực hoá Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), góp phần củng cố vị thế châu Á – Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng và liên kết toàn cầu và khu vực. Các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục khẳng định ủng hộ củng cố hệ thống thương mại đa phương. Hội nghị đã nhất trí thông qua các biện pháp cụ thể về tăng trưởng chất lượng, hợp tác dịch vụ, cải cách cơ cấu, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào thị trường toàn cầu nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Trong phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cục diện khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, đề cao nỗ lực của APEC 2015 trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh triển vọng tích cực của tiến trình liên kết khu vực. Các nền kinh tế cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên hợp tác xoá đói nghèo, giảm khoảng cách phát triển, hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, du lịch xanh…
Chủ tịch nước đề nghị, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế – kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tiềm năng về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực, trong đó có ASEAN, Mekong.
Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sau 30 năm đổi mới, bài học rút ra là muốn tăng trưởng thì phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế; muốn tăng trưởng bền vững, bao trùm thì phải cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Hướng tới việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy liên kết kinh tế vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng./.
Ý kiến ()