Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển Urban Ahlin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milan Stech, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ sang thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc từ 6-14/4.
Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta và cơ quan lập pháp của các nước; thúc đẩy Quốc hội ba nước ủng hộ ký chính thức, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: TTXVN) |
Trong chuyến công du đầu tiên đến các nước châu Âu trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, điểm đến đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là Thụy Điển. Đây là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1993.
Trong cuộc tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trước đây, Thụy Điển luôn giữ một vị trí hết sức đặc biệt. Hình ảnh cố Thủ tướng Palme và hàng ngàn người Thụy Điển xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam, luôn khắc sâu trong trái tim người dân Việt Nam.
Trên phương diện ngoại giao, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969.
Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong thập niên 1970, lớn nhất trong thập niên 1980. Những sự hỗ trợ này liên tục diễn ra cho đến năm 2013, sau khi Việt Nam đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình. Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí chính là biểu hiện thành công và bền bỉ về tình đoàn kết mà Thụy Điển dành cho Việt Nam.
Cho đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước liên tục tăng trưởng, kim ngạch năm 2015 đạt gần 1,2 tỷ USD, năm 2016 đạt hơn 1,2 tỷ USD. Thụy Điển hiện có 53 dự án có hiệu lực và số vốn đăng ký là 93,7 triệu USD, đứng thứ 43/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đã sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux…
Sau Thụy Điển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ đến đất nước Hungary. Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhà nước và nhân dân Hungary. Trên thực tế, đã có hàng nghìn cán bộ, kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Hungary và nhiều người đang giữ cương vị trọng trách trong bộ máy Nhà nước. Đây là tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt Nam- Hungary.
Quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư hai nước phát triển có hiệu quả. Kim ngạch hai chiều năm 2015 là 195 USD, năm 2016 đạt 200 triệu USD. Hungary có 15 dự án với số vốn hơn 50 triệu USD, đứng thứ 55/116 nước đầu tư vào Việt Nam. Hungary đã giúp Việt Nam xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, giúp cho người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không phải di chuyển xa mỗi khi đi khám, chữa bệnh. Đây là công trình tạo dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ qua.
Những lĩnh vực hai nước hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực như văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, môi trường được duy trì và phát triển. Hai nước thường xuyên tổ chức các Tuần văn hóa Việt Nam-Hungary để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cả về văn hóa, xã hội. Cộng đồng người Việt tại Hungary có khoảng 4.000 người được phía bạn tạo điều kiện sinh sống ổn định, hòa nhập và có hình ảnh tốt trong xã hội sở tại.
Cộng hòa Séc là điểm đến cuối cùng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Đây là chuyến thăm sau 8 năm kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2009.
Cộng hòa Séc là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 249 triệu USD. Cộng hòa Séc có 34 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư gần 90 triệu USD, đứng thứ 45/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Với cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc, Chính phủ Cộng hòa Séc đã ra nghị quyết công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thứ 14 của nước này. Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho người Việt tại Séc được bình đẳng với các dân tộc khác sinh sống trên lãnh thổ Séc; được đầu tư, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.
Với những thành quả đã đạt được trong mối quan hệ song phương của Việt Nam với Vương quốc Thụy Điển, Hungary và Cộng hòa Séc trong nhiều thập kỷ qua, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta và cơ quan lập pháp của các nước; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội với Cộng đồng người Việt Nam ở 3 nước; kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao ở sở tại.
Chuyến thăm cũng sẽ thúc đẩy Quốc hội ba nước ủng hộ ký chính thức, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)./.
Ý kiến ()