Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 00:58 (GMT +7)
Chuyên gia Mỹ đánh giá cao năng lực quản lý y tế của Việt Nam
Thứ 4, 05/04/2017 | 09:04:00 [GMT +7] A A
Việt Nam được xếp hạng, đánh giá là quốc gia hàng đầu và đạt số điểm cao nhất trên các chỉ số về năng lực quản trị y tế – sức khoẻ toàn cầu trong số 18 quốc gia được nghiên cứu.
Buổi nói chuyện của Đại sứ Phạm Quang Vinh tại Viện Brookings về lĩnh vực y tế.
Ảnh: Thanh Tuấn – P/v TTXVN tại Washington.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Viện Brookings (Mỹ) vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo về năng lực quản trị y tế – sức khoẻ, thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển y tế. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã tham dự và đồng chủ trì Lễ công bố cùng với Lãnh đạo của Viện Brookings và các chuyên gia Hoa Kỳ.
Báo cáo của Viện Brookings đã nghiên cứu tình hình tại 18 quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi, căn cứ theo 25 tiêu chí trong bộ chỉ số về năng lực quản trị y tế – sức khoẻ toàn cầu (HGCI), như quản lý, chính sách, quy định pháp luật, cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, các nguồn tài chính…
Việt Nam được xếp hạng, đánh giá là quốc gia hàng đầu và đạt số điểm cao nhất trên các chỉ số, trong số 18 quốc gia được nghiên cứu.
Trong thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách cũng như điều hành các hoạt động y tế phục vụ cộng đồng và coi Việt Nam là một điểm đến hứa hẹn cho đầu tư y tế.
Trong phần tham luận của mình, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định coi trọng nghiên cứ của Viện Brookings và nhấn mạnh kinh nghiệm của Việt Nam, đó là: đặt việc chăm sóc sức khoẻ người dân thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc gia; quản lý tốt, từ Trung ương đến địa phương, bao gồm cả việc huy động các nguồn lực; làm tốt công tác giáo dục, y tế cộng đồng; hợp tác quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam chủ trương xã hội hóa, ủng hộ việc tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác với chính phủ và các khu vực tư nhân của Mỹ, để mở rộng năng lực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có lĩnh vực y tế.
Viện Brookings, thành lập năm 1916, là trung tâm nghiên cứu và đạo tạo hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nhất là về kinh tế, quy hoạch đô thị, quản trị đất nước, và chính sách đối ngoại. Các báo cáo của Viện Brookings được đánh giá là một trong những nguồn tham khảo quan trọng nhất của báo chí và chính trị gia Mỹ.
Báo cáo “Năng lực quản lý chính phủ trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – y tế” nêu trên của Viện Brookings đã tiến hành khảo sát, đánh giá với 18 quốc gia đang phát triển bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Congo, Ethiopia, Ghana, Indonesia, Kenya, Liberia, Mozambique, Nam Phi, Nigeria, Pakistan, Philippines, Tanzania, Trung Quốc, Uganda, Việt Nam và Sierra Leon.
Việt Nam được xếp vị trí thứ nhất về năng lực quản trị trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đạt tổng số điểm 82. Tiếp theo là các nước như Nam Phi, Trung Quốc, Ghana, Philippines, Indonesia…
Đoàn Hùng (P/v TTXVN tại Washington)
Ý kiến ()