Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 26/01/2025 13:19 (GMT +7)
Cơ hội trước mắt cho khẩu trang vải Việt Nam xuất ngoại
Thứ 7, 11/04/2020 | 16:16:00 [GMT +7] A A
Năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam lớn và đã có một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất đi nhiều nước. Tuy nhiên, câu chuyện “đầu ra” của mặt hàng này đang cần sớm giải quyết, để giúp ngành Dệt may duy trì sản xuất trong đại dịch, giảm bớt khó khăn.
Năng lực sản xuất lớn
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.2 tỷ m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày. Nếu tính trung bình 1 m2 sản xuất được 20 khẩu trang vải, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang). Tuy nhiên, lượng vải còn tồn trong thương mại và doanh nghiệp vẫn còn khá lớn, chưa kể nguồn vải từ Trung Quốc đã bắt đầu được nhập về. Do vậy, có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để may khẩu trang vải.
Năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam rất lớn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.
Còn theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam (tính đến năm 2017) là hơn 3.500 doanh nghiệp dệt và gần 7.000 doanh nghiệp may. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam mỗi tháng có thể sản xuất được 50 triệu khẩu trang vải. Toàn ngành Dệt may Việt Nam có thể sản xuất khoảng 150 – 200 triệu khẩu trang vải/tháng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thị trường khẩu trang vải trong nước đang dần bão hòa. Trong khi đó, nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch COVID-19. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhanh nhạy khi sản xuất được các loại khẩu trang sử dụng vải thông thường, vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là ngăn được tia UV hay khẩu trang phủ muối độc đáo…
“Việt Nam nằm trong những nước top đầu về xuất khẩu dệt may, năng lực của một ngành tạo ra kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD chuyển sang sản xuất khẩu trang sẽ tạo ra một thị trường sôi động. Vì vậy, việc cung ứng khẩu trang vải cho thế giới hoàn toàn nằm trong tầm tay của Việt Nam. Sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một sân chơi mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Kết nối “đầu ra” cho doanh nghiệp
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong tháng 4/2020, Tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên, việc may khẩu trang hy vọng sẽ bù đắp. Hiện đã có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải.
Cùng đó, Việt Thắng Jean đã xuất mẫu khẩu trang vải sang Mỹ, Hà Lan, Đức…, trong tuần tới sẽ xuất 500.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ. Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, yêu cầu của đối tác khá cao, phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước về độ kháng khuẩn, không ảnh hưởng đến da, cùng một số tiêu chuẩn khác liên quan đến sức khỏe, an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay, lượng đơn hàng khẩu trang vải vẫn còn khá khiêm tốn, trong khi số doanh nghiệp sản xuất lại khá lớn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các doanh nghiệp đang lo sắp tới phải “giải cứu” khẩu trang vải. Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng về nguồn hàng dôi dư quá nhiều. Đã có 2 doanh nghiệp gặp khó khăn vì sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng, nhưng bên mua không nhận hoặc đề nghị giãn tiến độ giao hàng do tiêu thụ chậm.
Theo Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, sản xuất khẩu trang vải là giải pháp tình thế và là “phao cứu hộ” cho doanh nghiệp, nhưng việc xuất khẩu đang vướng nhiều vấn đề về tiêu chuẩn y tế, nguyên liệu, quy cách sản phẩm…
Ông Trần Thanh Hải nhận định, việc xuất khẩu khẩu trang vải và các đồ bảo hộ y tế có những khó khăn nhất định, chủ yếu nằm ở đầu ra. Dịch bệnh đang căng thẳng, nhu cầu khẩu trang thế giới không nhỏ, song doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng lại chưa tìm được đầu ra.
Bộ Công Thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài và cũng đang chỉ đạo các thương vụ khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, về lâu dài, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các doanh nghiệp nên xác định sản xuất khẩu trang là mặt hàng mang tính thời điểm, về lâu dài vẫn phải là các sản phẩm dệt may truyền thống. Nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm, nhưng sẽ giảm dần. Các doanh nghiệp có thể coi khẩu trang là mặt hàng tình thế, cần sẵn sàng chuyển đổi về các sản phẩm truyền thống khi hết dịch.
Nhiều nước có nhu cầu về thiết bị y tế và khẩu trang
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, Vụ đã tổng hợp thông tin chi tiết về nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế của các nước. Đơn cử, như: Thị trường Mỹ có nhu cầu 500 triệu chiếc khẩu trang N95, 200 triệu chiếc khẩu trang các loại khác, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ đôi găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế và 50 triệu bộ áo bảo hộ phòng dịch; thị trường Tây Ban Nha có nhu cầu 123 triệu găng tay nitrile có bột hoặc không bột dùng trong khám bệnh, mắt kính bảo hộ, hàng triệu bộ quần áo bảo hộ dùng 1 lần, khẩu trang y tế… đạt quy chuẩn châu Âu…
https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-truoc-mat-cho-khau-trang-vai-viet-nam-xuat-ngoai-20200411115545195.htm
Ý kiến ()