Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:35 (GMT +7)
Cung ứng hàng Tết Bính Thân: Đa dạng sản vật miệt vườn
Thứ 5, 14/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Bính Thân 2016. Càng gần đến tết không khí sản xuất hàng hóa ở ĐBSCL càng trở nên sôi động. Nông dân và các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, các làng nghề truyền thống…phải tăng ca hoạt động, thậm chí làm cả ban đêm để kịp giao hàng đi các nơi phục vụ thị trường tết. Năm nay nền kinh tế khởi sắc, vì vậy ai cũng kỳ vọng sức mua sẽ tăng, thu nhập cải thiện.
Làng nghề… sôi động
Ông Lê Ngọc Thẳng, chủ cơ sở Nem Út Thẳng, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp hớn hở: “Cả làng nem đang vào giai đoạn cao điểm làm hàng tết. Hiện tại các cơ sở đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu và đang tăng dần số lượng nem theo đơn đặt hàng của khách. Những ngày bình thường cơ sở sản xuất từ 5.000 – 8.000 chiếc nem thì dịp tết tăng lên gấp 3 lần”. Còn ông Dương Minh The, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung khẳng định: “Sức mua tăng, các cơ sở sản xuất nhiều, nhưng ngành chức năng yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm; chất lượng ngon và không được tăng giá. Hiện giá nem Lai Vung vẫn giữ mức bình quân 25.000 đồng/chục”.
Các cơ sở sản xuất khô cá lóc ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp); xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang)… cũng đang làm việc tất bật cả ngày lẫn đêm. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở xã Khánh An cho biết: “Trung bình 4kg cá lóc tươi làm ra được 1kg cá lóc khô, giá bán dao động khoảng 250.000 – 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, các cơ sở còn sản xuất khô cá sặc bổi, khô cá tra, khô rắn… theo bí quyết gia truyền nên rất ngon”.
Sản xuất tôm khô và cá khô bán tết ở Trà Vinh
Tại Sóc Trăng, làng nghề sản xuất bánh pía và lạp xưởng cũng đang chạy đua thời gian với tết. Theo Doanh nghiệp tư nhân Quãng Trân, ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, đây là nghề truyền thống được gia đình sản xuất hơn 65 năm. Theo từng năm, chất lượng bánh pía và lạp xưởng được cải thiện, nâng cao theo nhu cầu của khách. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. Tết Bính Thân 2016, ngoài các mặt hàng truyền thống, cơ sở còn sản xuất thêm những sản phẩm mới, như: lạp xưởng tôm, lạp xưởng tươi, lạp xưởng Mai Quế Lộ đặc biệt túi 500gram, lạp xưởng Mai Quế Lộ đặc biệt hộp 500gram… với giá dao động từ 170.000 – 200.000 đồng/kg; riêng bánh pía có giá 100.000 – 120.000 đồng/kg. Bình quân chỉ tăng khoảng 5% so với ngày thường; do nguồn nguyên liệu, nhân công tăng…
Trái cây: người mừng, kẻ lo
Trái cây là sản phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp tết. Ông Đào Văn Minh, Tổ phó tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết: “Thương lái từ các nơi kéo về “săn lùng” bưởi da xanh để cung ứng thị trường tết khá nhiều. Họ trả giá bưởi tết từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn chờ đến cận tết, giá nhích lên mới bán”. Ngoài bưởi da xanh, nhiều thương lái ở Tiền Giang, Vĩnh Long, TPHCM… cũng lùng mua bưởi Năm Roi. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) cho rằng, nhà vườn trồng bưởi Năm Roi ở xã sẽ ăn tết lớn, bởi hiện tại giá bưởi nhích lên từ 33.000 – 35.000 đồng/kg và dự báo có thể tăng thêm vào thời gian cận tết. Toàn xã có khoảng 1.150ha bưởi, mấy năm nay liên tục trúng mùa, giúp bà con thu nhập từ 260 – 300 triệu đồng/ha.
Quýt hồng Lai Vung cũng là loại trái cây hút hàng trong dịp tết. Chị Ngô Kim Phượng, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tâm sự: “Gia đình tôi canh tác 6,5 công quýt hồng bán tết, dự kiến số lượng khoảng 50 tấn. Nếu giá quýt từ 26.000 – 30.000 đồng/kg thì thu nhập khoảng 1,3 – 1,4 tỷ đồng, khó loại cây nào theo kịp”. Hiệu quả của quýt hồng là vậy, tuy nhiên đây là loại cây khó trồng và thường hay “trở chứng” theo thời tiết.
Chăm sóc quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) để bán tết
Chiều 13-1, Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB Tạo hình trái cây Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, dịp Tết Bính Thân 2016, các nhà vườn trong huyện sản xuất khoảng 10.000 trái bưởi hồ lô có chữ “Tài – Lộc”, bưởi bàn tay Phật, bưởi hình bản đồ Việt Nam có 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Phần lớn sản phẩm của CLB đã có đối tác đặt mua. Bưởi hình bản đồ Việt Nam giá từ 1 – 1,2 triệu đồng/trái; bưởi hồ lô “Tài – Lộc” giá từ 300.000 – 800.000 đồng/trái…
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) nhìn nhận, bưởi tạo hình là “hàng độc” của địa phương. Tuy nhiên, có nghe người dân phản ánh giá còn cao. Điều này, lãnh đạo CLB và nhà vườn cần xem lại để sản phẩm được đến với nhiều đối tượng tiêu dùng và tránh bị “ế” khi cận tết… Trước thông tin dưa lê Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc tràn vào nước ta và gây “sốt” trên mạng bởi giá chỉ 55.000 đồng/trái, ông Võ Trung Thành nói: “Có theo dõi và nhận thấy về thẩm mỹ của dưa lê Thần Tài là không đẹp, không sắc sảo, không có gì đặc biệt…, thậm chí có người nói, trông ghê ghê nên không dám chưng tết. Về thẩm mỹ, chất lượng, giá trị… thì bưởi hồ lô hơn hẳn. Vì thế, chúng tôi không ngại cạnh tranh”.
HUỲNH PHƯỚC LỢI-SGGPO
Ý kiến ()