Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 03:05 (GMT +7)
Cuộc đua ‘đốt tiền’ của các ví điện tử
Thứ 2, 20/07/2020 | 14:49:00 [GMT +7] A A
Trong thời gian cách ly xã hội do dịch COVID-19, các ví điện tử phát triển mạnh hơn về công nghệ lẫn tiện ích sử dụng để đáp ứng yêu cầu của người dùng khi mua sắm.
Cạnh tranh khuyến mãi, tiện ích
Người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp mã QR Code ví điện tử tại các quán cà phê.
Chị Thu Hương, nhân viên văn phòng tại quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước khi đến giờ làm, sáng nào tôi và một số đồng nghiệp cũng tranh thủ 30 phút uống cà phê bên cạnh công ty. Điều mà chúng tôi thích nhất tại quán này không phải vì thức uống vừa khẩu vị mà là sự tiện ích khi thanh toán bằng ví điện tử, không chỉ thế còn được giảm giá đến 30%. Hiện tại, ví Vnpay khuyến mãi 20% khi thanh toán lần đầu trong ngày, tương tự Airpay khuyến mãi đến 30%, còn ví Moca sẽ tích điểm vào Grab khi thanh toán…”.
Bên cạnh các chương trình giảm giá, tích điểm khi thanh toán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều ví điện tử còn áp dụng các khuyến mãi khi thanh toán trên ứng dụng. Cụ thể, với ví điện tử Aripay, khách hàng mua thẻ điện thoại hoặc data 3G/4G sẽ giảm 20% cho một lần giao dịch với giá trị thẻ từ 20.000 đồng trở lên; ví Zalopay hoàn tiền đến 100.000 đồng khi thanh toán hóa đơn điện, nước, internet; ví MoMo sẽ hoàn tiền và tích điểm đổi phiếu giảm giá khi thanh toán hóa đơn hay mua hàng trên ứng dụng; Viettelpay áp dụng mua vé xem phim CGV chỉ 79.000 đồng/vé; Payoo giảm đến 50% giá trị gói cước khi khách hàng thanh toán thuê bao K …
Ngoài những chương trình trên, các ví điện tử còn liên kết với nhiều doanh nghiệp, cửa hàng để đem lại hệ sinh thái tiện ích khi mua sắm trên online, chủ yếu là các lĩnh vực y tế, bảo hiểm, làm đẹp, giao thông, giải trí, tiêu dùng… Theo đó, quan niệm dùng ví điện tử để thanh toán điện, nước, internet, điện thoại như trước đây không còn. Giờ đây, người dùng có thể đi chợ online ở một số siêu thị yêu thích như Big C, Vinmart…; có thể mua vé tàu, xe hay máy bay bất cứ lúc nào; thậm chí có thể mua hoặc thanh toán bảo hiểm; tặng hoa cho người thân; mua voucher khám bệnh giảm giá hoặc đặt phòng khách sạn, tour du lịch; kể cả thanh toán phí cho tài xế công nghệ, cho ứng dụng điện thoại hệ điều hành iOS và Android…
Theo các chuyên gia kinh tế – tài chính, sự cạnh tranh thị trường ví điện tử đang ngày càng nóng lên với nhiều khuyến mãi cạnh tranh và nhiều tiện ích trên ứng dụng. Đặc biệt, khi tình hình dịch COVID -19 vẫn còn đang là nỗi lo thì ví điện tử càng có cơ hội bức phá. Chính vì vậy, dù bước vào một quán ăn bình dân, một tiệm cà phê take-away nhỏ, một cửa hàng tiện lợi, một nhà hàng hạng sang, rạp chiếu phim hay thậm chí là siêu thị, nhà sách hay cửa hàng thời trang, người tiêu dùng đều dễ dàng bắt gặp các bảng quảng cáo để bàn thu ngân về các loại ví điện tử khác nhau thông báo chương trình khuyến mãi nếu khách hàng chọn thanh toán bằng ví điện tử với mức giảm thông thường dao động từ 10%, 20% hay đến 50%. Khách hàng chỉ cần mở điện thoại, quét mã QR Code và thanh toán đơn hàng.
Cuộc đua mở rộng thị trường
Bà Lê Xuân Phương, Phó Giám Đốc nghiên cứu tại Cimigo nhận định: “Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới”. Vì thế, mới đây có thêm nhiều tên tuổi mới xuất hiện tại thị trường ví điện tử.
Điển hình SmartPay, chỉ hơn 1 năm ra mắt thị trường (cuối tháng 5/2019), ví điện tử này đã phát triển được 36 ngân hàng liên kết xác thực qua internet banking, thẻ ngân hàng và mã OTP; hơn hơn 185.000 điểm chấp nhận thanh toán và khoảng 1,7 triệu người dùng trên toàn quốc.
Theo ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc Phát triển Sản phẩm SmartPay, gia nhập “đường đua” muộn hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành nên đơn vị chọn hướng đi khác biệt, đó là không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà còn phủ rộng ở các tỉnh thành đang trên đà phát triển, nơi công nghệ mới chưa kịp “chạm ngõ”. Đối tượng được đơn vị hướng tới chủ yếu là các tiểu thương, những người luôn phải đi sau “cuộc chơi” số hóa. Vì thế, SmartPay hướng đến sự giản đơn để chủ điểm bán, dù không rành về công nghệ cũng dễ dàng tiếp cận.
Hay mới đây tháng 4/2020, Công ty Cổ phần Thanh toán G (GPAY) đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. GPAY đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính, bao gồm cổng thanh toán, ví điện tử, thu hộ chi hộ và đầu tư số… cho hơn 5 triệu người dùng vào năm 2023.
Với cuộc đua cạnh tranh thị phần khốc liệt, nhiều ví điện tử phải chọn hướng đi mới để tồn tại và giữ khách hàng. Trong hướng đi đó, việc liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được các ví điện tử lựa chọn nhiều nhất để tăng tỉ lệ người dùng quay trở lại cũng như tăng khách hàng trung thành.
Như đầu tháng 11/2019, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM). Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay. Sendo có ví SenPay. Trong khi đó, Tiki hợp tác với ví điện tử MoMo.
Tuy nhiên, theo bà Lê Xuân Phương, hiện nay khuyến mãi là một trong những chiến lược hàng đầu được áp dụng để thuyết phục người dùng sử dụng thương hiệu. Do vậy, khi người dùng đã lựa chọn một thương hiệu ví điện tử và nói rằng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng dù không còn khuyến mãi thì đó là một tín hiệu tốt, cho thấy thương hiệu được sử dụng vì có khả năng đáp ứng một hoặc nhiều nhu cầu thực sự về dài hạn.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/cuoc-dua-dot-tien-cua-cac-vi-dien-tu-20200717163543779.htm
Ý kiến ()