Tại đây, Đoàn Khảo sát số 4 của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 tìm hiểu, lắng nghe đề xuất của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng hệ thống chính trị cấp quận, huyện.
Trong nhiều năm qua, Thành ủy Đà Nẵng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị cấp huyện. Việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cơ quan, quy chế phối hợp giữa lãnh đạo cơ quan với cấp ủy cơ quan được thực hiện nghiêm túc.
Thông qua phân cấp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, những biểu hiện sai phạm trong việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế làm việc của lãnh đạo cơ quan, đơn vị hay vi phạm quy chế phối hợp được cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp chấn chỉnh, xử lý đúng quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng được tăng cường. Một số cấp ủy ban hành kế hoạch và quy chế chất vấn riêng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị mình.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề nghị với Trung ương chỉ quản lý về biên chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh, thành phố trong việc thành lập một số đơn vị đặc thù, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Đà Nẵng cũng đề xuất sáp nhập các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện vào Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy để thống nhất về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn; Xem xét không nên duy trì mô hình 3 đảng bộ các cơ quan thuộc cấp huyện như hiện nay.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian đến tiếp tục nghiên cứu, cho phép một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình ba cấp hành chính: một cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã chỉ có UBND.
“Với mô hình này, việc triển khai đối với một địa phương đã thí điểm thành công chủ trương không tổ chức HĐND quận huyện, phường và có tốc độ đô thị hóa cao như Đà Nẵng là rất thuận lợi. Vấn đề chủ yếu để sớm triển khai mô hình này chỉ còn là chuyển các xã của huyện Hòa Vang thành phường; từ đó chia tách huyện Hòa Vang thành 2 quận. Đồng thời, ban hành các quy định về cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cụ thể để chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả, tránh những trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Trí nêu quan điểm.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát số 4, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đưa ra định hướng, nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng, Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đoàn công tác lắng nghe và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của thành phố Đà Nẵng như việc hợp nhất Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Ban Dân vận, sáp nhập Phòng Y tế vào Trung tâm Y tế, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị vào Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy….
Theo Bà Trương Thị Mai, việc tinh giản tổ chức bộ máy phải gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ phương thức hoạt động, phân cấp phân quyền sao cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
“Đại hội XII có đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Ở đây hiệu lực, hiệu quả của 3 góc độ là lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ với cơ chế là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đoàn khảo sát ghi nhận những đề xuất của thành phố, sẽ thảo luận chung để lựa chọn những gì mang tính khả thi, hiệu quả cao hơn sẽ đưa ra thảo luận tại Hội ngghị Trung 6”, bà Mai nêu rõ./.
VOV-VN
Ý kiến ()