4
2
Trong nước/
/trong-nuoc
20108
20108
Đại biểu Quốc hội: Phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách
dai-bieu-quoc-hoi-phai-thuc-hien-nghiem-ky-luat-ngan-sach
news
Long An| 30°C / 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 17:41 (GMT +7)

Đại biểu Quốc hội: Phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách

Thứ 2, 12/06/2017 | 16:32:00 [GMT +7] A  A

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên làm việc sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá nhiều năm nay, quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Đại biểu phân tích nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn thuế.

Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác, tuyệt đối số hoàn thuế. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác quyết toán thu theo hai cách: thứ nhất, kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế, để quyết toán chính xác số thu ngân sách. Cách thứ 2 là chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách nhà nước thực sự được hưởng, là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế.

Đề cập tới việc thực hiện kỷ luật ngân sách, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những vấn đề nổi cộm như chuyển nguồn lớn, ứng trước và thu hồi vốn ứng không đúng quy định… vẫn diễn ra. Kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, yếu kém, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.

Nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm về tài chính ngân sách. Đại biểu Quang Hàm nêu hàng năm khi phê chuẩn quyết toán, Nghị quyết của Quốc hội đều có một điều ghi rõ việc phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình quyết toán năm sau. Tuy nhiên trong báo cáo quyết toán, nội dung này được thể hiện thiếu cụ thể, không rõ kết quả, mức độ xử lý.

Để chấn chỉnh kỷ luật ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc có một Nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, giao cho cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ xử lý vi phạm.

Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 21 về điều chỉnh dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; trong đó giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về “thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra,” Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương tổ chức thực hiện.

Đánh giá Báo cáo của Chính phủ còn rất chung về nội dung này, đại biểu Mai Sỹ Diến thống nhất như kiến nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội là Chính phủ phải có một báo cáo riêng nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục.

“Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương, nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch tỉnh nghiêm, chủ tịch tỉnh không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch huyện nghiêm…,” đại biểu nói.

Góp ý việc chấp hành quy định của pháp luật về thu ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu thu ngân sách Nhà nước tăng hơn 87.000 tỷ đồng so với dự toán thu, nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là hơn 83.700 tỷ đồng; việc tăng thu chủ yếu lại từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của nền kinh tế.

Nguyên nhân của vấn đề trên như báo cáo của Kiểm toán là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước thực hiện năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn…

“Một điều đặt ra là các địa phương tăng thu nhưng việc thu hồi vốn ứng trước dự toán năm 2015 là hơn 79.000 tỷ, nguồn vốn này qua nhiều năm chưa được thu hồi; việc ứng trước dự toán chưa bảo đảm tuân thủ đúng Nghị quyết của Quốc hội, đó là việc điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao, không cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau. Trong Báo của của Chính phủ chưa nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm để tồn tại trên kéo dài, không đúng theo Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ,” đại biểu đánh giá.

Kết luật nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung Chương trình Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và dự thảo Luật Quản lý ngoại thương; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu