Thứ Ba, 21/01/2025 17:47 (GMT +7)

Đại biểu Quốc hội ‘truy’ Bộ Kế hoạch – Đầu tư về giải ngân vốn chậm

Thứ 5, 15/06/2017 | 14:35:00 [GMT +7] A  A

Trong phiên chất vấn sáng 15/6, các đại biểu Quốc hội đã đặt hàng loạt câu hỏi về việc huy động, sử dụng vốn còn bất cập với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: Thời gian qua còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư công. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây lãng phí trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Chúng tôi có 2 trách nhiệm đối với vấn đề này. Đó là tham mưu cơ chế chính sách chưa đầy đủ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt. Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới nhưng chưa triệt để”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) băn khoăn về cơ chế thanh toán cho dự án đầu tư theo hình thức BT được tính từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, thấp hơn nhiều so với khi dự án được hoàn thành. Điều này dễ làm thất thoát quỹ đất. “Các bộ ngành có liên quan có giải pháp gì trong thời gian tới”, đại biểu Hiền hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng đồng ý rằng thời điểm thanh toán các dự án BT đang có nhiều vấn đề. “Khi ký kết hợp đồng BT thì giá đất khác, còn khi hoàn thành dự án thì giá đất khác. Do vậy, cần xây dựng cơ chế thích hợp để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và các địa phương”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Không có xin – cho trong phân bổ vốn

Các đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân gốc rễ của việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tỏ ra lúng túng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đỡ lời: “Luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc Nam chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới. Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã chậm làm thủ tục hồ sơ trình ra Quốc hội nên chưa phân bổ được”.

Nói thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng nêu: Do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp, vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.

“Việc phân bổ vốn không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định”, ông Dũng khẳng định.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận với Bộ trưởng. Ông Hàm không đồng tình khi Bộ trưởng Dũng cho rằng trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương chứ không có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch. Theo ông Hàm, Bộ Kế hoạch – Đầu tư có chức năng thẩm định nguồn, cân đối nguồn. “Với lực lượng vài trăm người của Bộ có làm được không hay chậm nên ách tắc đầu tư?”, ông Hàm hỏi.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu thực tế địa phương kêu rất nhiều chuyện thiếu tiền đầu tư và phải cam kết. Nếu không cam kết thì không được đăng ký vốn. Ông Hàm lo lắng, nếu tình trạng bố trí vốn dàn trải tiếp diễn, khi chi phí tăng lên thì nhiều công trình sẽ thiếu toàn bộ vốn đầu tư ban đầu.

Công tác chuẩn bị dự án có vấn đề

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8/2014, sau đó đã được Quốc hội thông qua. Hiện nay, số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…).

Theo Bộ trưởng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2018-2019.

Trả lời đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.

“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta có vấn đề. Nhiều dự án còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị. Một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết”, Bộ trưởng nêu thực tế.

Ông cho biết thêm: Nhiều năm trước, việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn có thể cân đối vốn thực hiện, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số dự án đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012 – 2013 có khoảng 15.000 dự án thì nay giảm chỉ còn 4.000 – 5.000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền đối với Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn đã ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tinh thần của luật không đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ với chuyện phân cấp cho các địa phương.

Theo Bộ trưởng, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách cần được thẩm định và xác định nguồn một cách kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát như trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương tự quyết định.

Chiều nay, Quốc hội sẽ chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu