Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 18:20 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong sai sót của bộ sách giáo khoa lớp 1
Thứ 4, 04/11/2020 | 16:22:00 [GMT +7] A A
Tại phiên họp thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước… sáng 4/11, là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu chấp nhận một bộ sách đầy những mảng chắp vá được phát hành thì đó là thái độ thỏa hiệp rất nguy hại và cần làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng bộ phận chứ không chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.
Phát biểu đầu phiên tại hội trường Quốc hội sáng nay, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà xã hội bức xúc và giận dữ về bộ sách giáo khoa trong thời gian gần đây.
Theo đại biểu Hiền, do là năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách theo hình thức xã hội hóa, trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên bậc tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đại biểu Hiền đánh giá, sách giáo khoa khi biên soạn bị “gọt đẽo” theo một hệ thống chưa hoàn thiện.
Đại biểu cho rằng, quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin và cách đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố.
Đại biểu quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng 4/11. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.
Theo đại biểu Hiền, giá trị một bộ sách giáo khoa hoàn toàn khác với sản phẩm hàng hóa thông thường, nếu chấp nhận một bộ sách như một lớp xây đầy những mảng chắp vá được phát hành thì đó là thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn, trong sáng của Tiếng Việt.
“Với những điều trên, tôi kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan cần có trách nhiệm trong bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn dựa trên quyền lợi người học, nhất là trẻ em, phải đảm bảo rằng các quyền của trẻ thông qua giảng dạy văn hóa cần được bảo vệ, thực thi nghiêm túc. Xin đừng trút áp lực, trách nhiệm lên đội ngũ giáo viên bởi chính họ cũng cần được bảo vệ, hãy dành sự quan tâm trước hết cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Tôi rất mong các cơ quan điều hành có trách nhiệm cần mạnh dạn nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc trong việc sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, cần thiết thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.
Cùng với đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong muốn Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong sự cố sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là lỗi sai cần được giải quyết, xử lý nghiêm minh từng khâu, từng bộ phận, xem xét bổ sung, thay đổi, điều chỉnh hội đồng thẩm định sách giáo khoa chứ không chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho biết, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là một số nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, thuộc bộ sách Cánh Diều bị dư luận phê phán.
“Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chỉ đạo, giải pháp kịp thời, song cần rút kinh nghiệm việc này”, đại biểu Tản nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa ở tất cả các khâu. Ảnh: TTXVN.
Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về bộ sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong Luật giáo dục (sửa đổi), điều 32 khoản 3 quy định rất rõ, trách nhiệm trực tiếp ở đây là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật quy định rất rõ, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa ở tất cả các khâu đó.
“Cá nhân tôi nhiều lần từng gặp các đồng chí, các thầy cô giáo, sơ bộ đúng như đại biểu quốc hội nói. Bộ trưởng Nhạ cũng nói với tôi là Bộ trưởng không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Qua các lần làm việc, tôi có thể nói, bộ sách giáo khoa đã được biên soạn nhưng cuốn Tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định, phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn. Lỗi này cần được tiếp thu tiếp thu rất cầu thị, khoa học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những việc không hiểu cần có sự trao đi đổi lai một cách cởi mở, trên hết là cầu thị. Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ có sai sót, trách nhiệm thuộc về Bộ và Bộ trưởng cũng đã có những bước chỉ đạo về việc này như thay Chủ tịch hội đồng thẩm định…
“Trước đây chúng ta là một chương trình, một bộ sách, gần như không phân biệt và gần như bắt buộc. Còn hiện nay, một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Việc đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ không hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân. Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân sẽ góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng. Tất cả đều vì tương lai đất nước đều vì con cháu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-lam-ro-trach-nhiem-trong-sai-sot-cua-bo-sach-giao-khoa-lop-1-20201104105721172.htm
Ý kiến ()