Ý kiến trái chiều cũng được nghiêm túc xem xét
Ông Thuận Hữu – Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, quá trình soạn thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng thể hiện tinh thần đổi mới, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, phát huy tinh thần dân chủ, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến khác nhau trong nghiên cứu thảo luận, có cơ chế phát huy trí tuệ toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân đóng góp cho đường lối phát triển đất nước.
Cùng với lấy ý kiến trong Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội được các cơ quan báo chí công bố toàn văn để lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các Hội nghị Trung ương đã xem xét, thảo luận, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII. Có 26 triệu lượt ý kiến đóng góp vào văn kiện. Hầu hết ý kiến cơ bản tán thành, đánh giá cao dự thảo văn kiện, nhất là các định hướng chính trị, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, coi đây là công trình nghiên cứu tổng kết công phu.
“Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của đảng viên và nhân dân, những ý kiến trái chiều cũng được nghiêm túc xem xét. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của toàn đảng, toàn dân, Tiểu ban văn kiện tiếp thu, hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét thông qua trình Đại hội XII của Đảng”, ông Thuận Hữu nhấn mạnh.
12 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ khóa XII
Ông Thuận Hữu cho biết, dự thảo văn kiện xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, tổng quát trong tất cả các lĩnh vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đạo tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người Việt Nam phát triển toàn diện. Quản lý tốt sự phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; khai thác sử dụng, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường
Văn kiện cũng nêu rõ kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Củng cố tăng cường quốc phòng an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; xử lý tốt các mối quan hệ lớn.
Một số chỉ tiêu chính cũng được xác định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến 2020: GDP bình quân đầu người đạt 3.200 – 3.500 USD, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%, lao động qua đào tạo đạt 65-70%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%.
5 năm nữa, 95% cư dân thành thị, 90% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Dự thảo văn kiện cũng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
“30 năm đổi mới, Việt Nam thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng. Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ tiếp tục tinh thần đổi mới đó”, ông Thuận Hữu cho biết./.
Ý kiến ()