Thứ Bảy, 26/04/2025 10:49 (GMT +7)

Đam mê nghề báo của phóng viên, nhà báo huyện Tân Hưng

Thứ 4, 21/06/2023 | 10:30:42 [GMT +7] A  A

Nói đến nghề báo, có lẽ mọi người đều nghĩ ngay đến một công việc nhàn hạ, được đi đây đi đó, được tiếp xúc với nhiều thành phần của xã hội, được ưu tiên vào những nơi có hạn chế người vào, … trên hết là một nghề rất vinh quang. Nhưng trên thực tế, có mấy ai hiểu được nghề báo nhọc nhằn và cực khổ đến mức nào, nhất là người làm báo mà không được gọi là “Nhà báo”. Đó là những người làm nghề báo ở cấp huyện.

Phóng viên Duy Phước quay phim gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Hưng Hà

Nói đến Báo chí Cách mạng Việt Nam, không thể không nói đến những người làm nghề báo ở địa phương hay còn gọi là cấp huyện. Đội ngũ này là lực lượng trực tiếp cầm bút, cầm máy quay phim, máy ảnh để tạo ra những tác phẩm báo chí, nhưng lại không được gọi là “Nhà báo”. Tuy vậy, họ vẫn luôn thầm lặng đi “săn tin”, viết báo và truyền tải những thông tin hữu ích đến thính giả, khán giả và đọc giả những tác phẩm báo chí chất lượng, mang tính định hướng dư luận cao.

Chia sẻ chuyện nghề, người duy nhất được mang danh “Nhà báo” ở huyện Tân Hưng cho tới thời điểm này và cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện - Nhà báo Nguyễn Thị Ánh Xuân cho biết: “Khi một người vào nghề báo, nhận nhiệm vụ làm phóng viên và trực tiếp cọ sát với thực tế, thì khi đó mới biết nghề báo phải trải qua vất vả, nhọc nhằn, thậm chí là nguy hiểm như thế nào để có được những tác phẩm báo chí chất lượng đến với công chúng”.

Thật vậy, không nói đâu xa, ngay tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Khi đến dự một sự kiện nào đó của huyện, thường sau khi kết thúc sự kiện phóng viên hay nhóm phóng viên phải gác lại việc nghỉ ngơi buổi trưa để viết hoàn thành tác phẩm tin và dựng phim gửi cho bộ phận biên tập các nơi như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Long An online, … để kịp sắp vào đăng, phát, không bị “nguội” tin.

Phóng viên Nguyễn Thắm tranh thủ viết tin tại hiện trường

Hay trong mỗi chuyến đi công tác đến cơ sở, sau khi thu thập thông tin, trong lúc mọi người được nghỉ ngơi thì phóng viên chúng tôi dù có mệt nhọc đến đâu cũng không được thư thả nghỉ ngơi mà phải liên tục lao động trí óc để viết tin, bài gửi về cho Ban Biên tập. Nhưng đây là việc mà chúng tôi xem là bình thường, bởi tính đặc thù của công việc là thế.

Cái nhọc nhằn mà chúng tôi muốn nói ở đây là để có một tác phẩm báo chí chất lượng, chúng tôi phải len lõi mọi ngõ ngách nông thôn, săn tìm thông tin, gặp gỡ nhân vật. Trên bản đồ, huyện Tân Hưng nhìn giống như một hình chữ nhật. Từ trung tâm thị trấn Tân Hưng đi biên giới và đi về xã vùng thấp giáp thị xã Kiến Tường có chiều dài tương đương nhau, tầm trên dưới 20km giao thông đường bộ. Đồng thời có đường biên giới giáp Campuchia dài trên 15km. Vì thế mà khi đi công tác ở 02 hướng này, chúng tôi thường mất nhiều thời gian để đến nơi.

Cùng với đó là huyện còn nhiều xã đường nhựa chưa được thông suốt từ thị trấn đến trung tâm xã nên chúng tôi thường tác nghiệp trong tình trạng bụi đá đỏ bám đầy người. Có những khu vực xe mô tô chúng tôi không thể đến được, phải lội bộ cả km, thậm chí xa hơn nữa để tiếp cận được mục tiêu mà mình cần khai thác. “Chưa kể, khi đến nơi, gặp những trường hợp người dân không hợp tác, nhất là các mô hình làm ăn kinh tế, vì họ quan niệm rằng mô hình sẽ thất bại nếu như có ống kính phóng viên nhảy vào” – Phóng viên Văn Sách cho biết.

Theo phóng viên Duy Phước, trước mỗi chuyến đi, phóng viên đều có những ý tưởng và dự định nhưng nhiều khi bị ảnh hưởng bởi được thời gian, con người, hiệu quả công việc cũng vì thế mà không như mong đợi. Những người làm báo ở địa phương như chúng tôi đây còn gặp phải áp lực từ lãnh đạo về nội dung, hình thức, sự thể hiện hình ảnh,… Vì nhiều vị không hiểu được chuyên môn, lại khó tính đòi hỏi hình ảnh phải theo ý mình hoặc phải hết sức chỉnh chu, mặc dù thực tế không được như vậy, gây khó cho phóng viên khi tác nghiệp. Tuy vậy, những khó khăn ấy không làm chúng tôi chùng bước. Vì yêu nghề, chúng tôi lấy đó làm mục tiêu thử thách mà chúng tôi cần phải vượt qua.

Nhóm phóng viên tác nghiệp đưa tin về mô hình làm kinh tế giữa đại dịch COVID-19 ở xã Hưng Điền

Chia sẻ việc tác nghiệp trong thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra, Phóng viên Thành Nhân với hơn 23 năm đã gắn bó với nghề báo ở huyện Tân Hưng cho biết: Trong khi dịch COVID-19 xảy ra ở thế giới và các nơi khác trong nước thì trên tuyến biên giới của huyện Tân Hưng cũng xảy ra nhiều sự kiện có liên quan. Có những sự kiện xảy ra chúng tôi nhận thông tin và đến hiện trường thì đã trễ, làm giảm đi tính “hot” của sự kiện đó, như việc phát hiện người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Để kịp thời phản ánh tình trạng người vượt kênh Cái Cỏ để xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới theo đường mòn lối mở, thì các phóng viên thường phải cùng ở, cùng thức đêm và cùng tuần tra canh gác với lực lượng làm nhiệm vụ, mà cụ thể là các Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời ghi lại những đoạn phim khi phát hiện đối tượng. Bên cạnh đó các phóng viên còn thiết lập “tai mắt” là những người dân dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới khi phát hiện đối tượng xuất nhập cảnh trái phép vừa báo cho lực lượng bộ đội biên phòng thì cũng vừa báo cho phóng viên biết để đến hiện trường nhanh nhất có thể.

“Trong những thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn huyện, đội ngũ phóng viên không thể ngồi yên một chỗ, mà phải xông pha nơi tuyến đầu cùng với ngành y tế và lực lượng chức năng. Không màn nguy cơ nhiễm bệnh để chuyển tải những thông tin chính thống nhanh nhất đến bạn nghe đài, xem đài” – Phóng viên Thành Nhân chia sẻ.

Nhiều khó khăn, nhọc nhằn như thế nhưng trong thời gian qua tin, bài, phóng sự truyền hình của các phóng viên ở Tân Hưng được đăng, phát trên các nền tảng của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Báo Long An rất nhiều. Nhiều năm liền Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về số lượng cộng tác các nội dung về Đài tỉnh. Theo thống kê từ Đài tỉnh, chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, số lượng cộng tác các thể loại được phát đứng nhất tỉnh (so với 14 huyện,thị xã,thành phố) với 213 tin các loại và phóng sự.

Phóng viên Thành Nhân tiếp cận nhân vật tại Bệnh viện dã chiến, đưa tin giữa tâm dịch COVID-19

Vất vã là vậy, nhưng chúng tôi hạnh phúc hơn khi những thông tin, bài viết của mình được mọi tầng lớp Nhân dân đón nhận và phần nào thể hiện cũng như tác động được đến được hiện thực cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được đi nhiều nơi, biết nhiều điều, học nhiều thứ, mối quan hệ rộng hơn, từ đó hình thành nên những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết. Ý nghĩa hơn, chúng tôi còn có thể chia sẻ được những hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo để họ có thể nhận được những sự giúp đỡ, nhìn vào những hoàn cảnh đó mà thêm biết quý trọng cuộc sống của mình hơn./.

Thành Nhân - Nguyễn Thắm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu