Rạch Bà Rô là một trong những điểm đen của Quận 8, TP HCM về môi trường và dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là khu vực kênh rạch bị lấn chiếm, người dân làm nhà ngay trên kênh, rác thải vứt bừa bãi, nhiều vật thải chứa nước ngổn ngang khắp nơi, ứ đọng nước mưa quanh năm.
Đây chính là điều kiện để phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Không thể đề tình trạng này kéo dài, Trung tâm Y tế Quận 8 đã kiến nghị Ủy ban nhân dân quận can thiệp và một dự án làm sạch con kênh đã được triển khai, toàn bộ lực lượng đã được huy động tổng vệ sinh, loại bỏ điểm nguy cơ sốt xuất huyết.
Hiện nay, dọc rạch Bà Rô không còn một chai nhựa, gáo dừa, hộp cơm hay bất kỳ phế thải nào vứt bừa bãi. Con kênh trở nên thông thoáng, sạch sẽ, từ đầu năm 2017 đến nay không ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết nào ở khu vực này.
Chị Huỳnh Lệ Mai, trú tại phường 11, Quận 8 có dãy trọ 8 phòng cho biết:
“Nhân viên y tế xuống kiểm tra thường xuyên, đi vào kiểm tra xem có lăng quăng không. Nếu nhà có đồ có dụng cụ thì phải súc đổ thường xuyên, 1 tuần hoặc 5 ngày, phải chà thành bình”.
Cùng với kênh này, các khu vực khác vốn là “điểm nóng” về sốt xuất huyết tại Quận 8 trong nhiều năm liên tục giờ đây đã trở thành điểm sáng khi không còn sự gia tăng của các ca bệnh sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Quận 8 có hơn 540 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó, mức tăng chung của toàn thành phố là 27%.
Chia sẻ kinh nghiệm dập dịch, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 cho biết, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận đã rất quyết liệt, trực tiếp đi khảo sát thường xuyên để phát hiện, giao cho các phường xử lý triệt để các điểm nguy cơ. Trọng tâm vẫn là chuyển hóa được các điểm nguy cơ.
Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 lập ra danh sách những điểm nguy cơ nặng mà trước đó chưa chuyển hóa được, chụp và lưu lại hình ảnh, sau đó cùng với lãnh đạo quận, đến tận các điểm nguy cơ này, mời ủy ban nhân dân các phường, phân tích những nguyên nhân và đề ra giải pháp để chuyển hóa các điểm nguy cơ.
Đến nay, trong tổng số 66 điểm nguy cơ lớn của quận thì đã giải quyết triệt để được 59 điểm nguy cơ, chỉ còn 7 điểm nguy cơ chưa xỷ lý được. Cá biệt có một số trường hợp vượt quá khả năng của các phường và ngành y tế, ngay lập tức Ủy ban nhân dân quận sẽ vào cuộc chỉ đạo xử lý. Một tuần sau thời gian quyết tâm làm sạch, cơ quan chức năng xuống giám sát lại và bàn giao cho ủy ban nhân dân các phường giữ gìn sạch sẽ.
Tuy nhiên, Quận 8 phần lớn là dân nhập cư, thói quen sinh hoạt trữ nước nên dễ tái xuất hiện các điểm nguy cơ. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 8 nói: “Lập danh sách những hộ gia đình còn sử dụng vật chứa nước, trạm y tế sẽ tham mưu cho ủy ban nhân dân phường, phường giao cho tổ dân phố, tận dụng các chương trình khác lồng ghép để kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân đậy kín các vật chứa nước”.
Còn tại phường Hiệp Thành, Quận 12, một trong các quận huyện đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh về tỉ lệ gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết, sau một thời gian xây dựng tổ phòng chống dịch nay tình hình sốt xuất huyết tại đây đã được kiểm soát. Từ 156 ca mắc trong tháng 5 và tháng 6 thì đến tháng 7, số ca mắc giảm chỉ còn 30 ca. Đây là những hiệu quả đáng ghi nhận từ công tác tuyên truyền với việc thành lập các tổ nhóm về phòng chống sốt xuất huyết tại khu phố.
Tổ phòng chống dịch hoạt động dựa trên lực lượng là các tình nguyện viên của những tổ chức đoàn thể như chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, chi hội nông dân…
Cứ mỗi tổ dân phố lại có một Tổ phòng chống dịch, trong đó nòng cốt là Tổ trưởng tổ dân phố và Tổ trưởng tổ phụ nữ. Hàng ngày, các tốp nhỏ đến tận từng nhà phát tờ rơi, tuyên truyền về sốt xuất huyết, đồng thời tham gia giám sát tình hình phòng chống dịch bệnh đối với từng gia đình. Song song đó liên tục kiểm tra các dụng cụ để ngửa, có khả năng chứa nước, phát sinh lăng quăng.
Mỗi địa phương có những cách làm khác nhau để dập dịch. Nhưng rõ ràng, cốt lõi ở đây vẫn là phương pháp “đến từng ngõ, gõ từng nhà” của từng tình nguyện viên, cán bộ y tế và kể cả lãnh đạo địa phương, nhằm tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức trong việc loại bỏ lăng quăng trong từng hộ gia đình, từng khu vực cộng đồng.
Nhiều người dân đã bắt đầu ý thức hơn trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nơi mình sinh sống, từ đó giảm thiểu các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết, kiểm soát được tình hình dịch bệnh./.
VOV-VN
Ý kiến ()