Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN những tháng đầu năm 2017. Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá nước ta còn những động lực cho tăng trưởng kinh tế cần được đầu tư đúng mức, khai thác hiệu quả hơn.
Có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, năm 2016 mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP không đạt theo mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội nhưng có thể thấy rõ sự nỗ lực của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Phú Quốc, tăng trưởng GDP năm 2016 phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như khai thác khoáng sản, trong đó có dầu thô, gói kích cầu của Chính phủ, dự án đầu tư công, chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn thu từ xuất khẩu.
“Nền kinh tế nước ta vẫn thiếu sự chủ động, độc lập, trong khi, một số nước bang giao với nước ta có xu hướng bảo hộ nền sản xuất trong nước. Những động lực tăng trưởng của nước ta về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nên cần phướng đến tính chủ động, độc lập của nền kinh tế”, Đại biểu Phạm Phú Quốc chia sẻ.
Về tăng trưởng kinh tế quý 1-2017, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, tăng trưởng quý 1 luôn có sự liên đới với cả năm, với mức tăng trưởng 5,1% của quý 1, cả năm có thể chỉ đạt tăng trưởng GDP ở mức 6,3%.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, năm 2016 nổi lên điểm sáng là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, sức mua… “Chúng ta đã giữ được nền tảng ổn định những cân đối lớn của nền kinh tế. Quý 1/2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chính phủ kiên định mục tiêu cả năm 6,7% là để có cơ sở phấn đấu, vì vậy, không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. |
Mặc dù tăng trưởng GDP quý 1-2017 đạt thấp so với những năm gần đây, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Chính phủ kiên định mục tiêu cả năm 6,7% là để có cơ sở phấn đấu, vì vậy, không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Một trong những yếu tố tăng trưởng quý 1 thấp là do nhập siêu lớn, có nguyên nhân trực tiếp từ việc Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) phải thu hồi sản phẩm điện thoại Galaxy Note 7. Điều này cũng là lời cảnh báo về ảnh hưởng của các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư vào Việt Nam, nếu họ có rủi ro lập tức tác động đến GDP của nước ta.
Đối với khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2017, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra một số yếu tố còn tiềm năng, dư địa để khai thác. Trước hết là động lực từ các doanh nghiệp tư nhân, tại TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng quý 1-2017 đạt 7,46%, cao hơn cùng kỳ 2016 (7,08%), trong đó đóng góp chủ lực là kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cao, du lịch có mức đóng góp lớn vào tăng trưởng chung và còn khả năng đóng góp cao hơn. Ngoài ra, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, nếu được đầu tư dúng mức, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến sẽ là tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Chú trọng nguồn lực kinh tế tư nhân
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, để bảo đảm tăng trưởng bền vững cần tạo môi trường thông thoáng hơn để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Để xây dựng nền kinh tế chủ động, độc lập cần phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, chú trọng huy động vốn trong nước thay vì đi vay nước ngoài. Chính phủ đã có các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, theo đại biểu Phạm Phú Quốc, cần hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có điều kiện để tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế và dẫn dắt các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lưu ý đến nguồn vốn tín dụng, dù tăng tín dụng năm 2016 cao nhưng cần có đánh giá nguồn vốn này đã đi vào những ngành nào, lĩnh vực nào, hiệu quả ra sao. Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, nguồn tín dụng không nên tập trung quá nhiều vào những ngành thiếu ổn định như bất động sản mà nên tập trung cho ngành sản xuất như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao thì tăng trưởng mới mang tính bền vững.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, tăng trưởng không có nghĩa chỉ đổ vốn vào nền kinh tế mà còn phải đầu tư cho yếu tố con người, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống người dân. Cũng cần đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản. Muốn phát triển du lịch phải bảo vệ di sản, đầu tư cho công tác bảo tồn, ngăn chặn tàn phá thiên nhiên, môi trường./.
VOV-VN
Ý kiến ()