Nhân kỷ niệm 27 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2016) và 57 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2016), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng về kết quả thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, bảo vệ chủ quyền trên biển; nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng mang quân hàm xanh trong năm 2016.
Trang Thông tin điện tử Đài PT và TH Long An giới thiệu nguyên văn nội dung bài phỏng vấn này.
– Năm 2015, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Xin Thiếu tướng cho biết một vài nét nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng mang quân hàm xanh thời gian qua?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam: Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng là quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trên biên giới đường bộ, lực lượng quân hàm xanh đã quản lý tốt đường biên, cột mốc, không để xảy ra các hoạt động xâm hại.
Bộ đội Biên phòng thực thi theo 3 văn kiện pháp lý đã ký kết giữa Việt Nam-Trung Quốc; hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới trên thực địa và xây dựng Hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào.
Bộ đội Biên phòng đã tham mưu giải quyết các điểm tồn đọng, thúc đẩy tiến độ phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia; đến nay, Việt Nam đã đạt 84,1%. Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành hệ thống mốc đại và hình thành được đường xương sống Việt Nam-Campuchia.
Năm 2015, cùng với hệ thống chính trị, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã làm tốt công tác bảo đảm an ninh cho tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
Mặt khác, lực lượng quân hàm xanh đã làm rất tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân. Lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn làm hết sức mình để giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.
Cùng với đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân là tổ chức kết nghĩa bản-bản (các bản biên giới sát nhau giữa Việt Nam với các nước láng giềng ký kết với nhau), để hai bên qua lại thăm hỏi lẫn nhau khi có chuyện vui, buồn, nhưng vẫn luôn giữ được vấn đề chủ quyền biên giới.
Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả đối với các loại tội phạm như buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán người, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhờ đó đã giữ vững ổn định biên giới.
– Xin Thiếu tướng cho biết những nét đặc thù trong việc thực hiện công tác đối ngoại biên phòng và bảo vệ chủ quyền trên biển hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam: Nước ta có đường bờ biển rất dài; số lượng tàu, thuyền hoạt động trên biển lớn. Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng là vừa giữ chủ quyền, vừa làm tốt công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là một nét trong phát triển bảo vệ biên giới; trong đó ngoài cái chung là phải giữ chủ quyền, đặc thù của biên giới biển tiếp giáp với nhiều nước. Việt Nam có tuyên bố về Luật Biển; tham gia Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và các quy định pháp luật của Nhà nước.
Những năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn thực hiện tốt việc bảo vệ biên giới biển; phối hợp tốt với các lực lượng trên biển để tuần tra chung; triển khai và thực thi tốt các công ước biển liên quan đến Việt Nam. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng đã làm tốt vấn đề tham mưu trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển.
Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) trong việc giải quyết các vấn đề khi có công dân nước ngoài bị tai nạn trên biển, cứu trợ nhân đạo; việc bảo đảm quyền công dân Việt Nam khi bị nước ngoài bắt giữ hoặc sang nước ngoài. Mặt khác, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân trên biển hiểu pháp luật Việt Nam và của các nước láng giềng cũng như Công ước Luật Biển năm 1982, để hoạt động trên biển thuận lợi.
Một vấn đề quan trọng nữa, đó là xây dựng thế trận trên biển. Bộ đội Biên phòng chủ trương xây dựng Bộ đội Biên phòng toàn dân trên biển bằng việc thành lập các tổ, đội đoàn kết; tức là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển theo những ngành nghề khác nhau.
Điều này rất có lợi cho ngư dân, bởi khi ngư dân nào gặp sự cố hay bị tấn công, bị thương trên biển thì dễ dàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, khi có có bão, Bộ đội Biên phòng thông qua hệ thống liên lạc với ngư dân gọi phương tiện vào bờ. Nhờ đó, nhiều năm qua chưa có tàu, thuyền bị chìm ngoài khơi hay ngư dân bị chết vì bão trên biển.
Có thể nói, trong những năm qua, công tác đối ngoại biên giới biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã gặt hái được những kết quả nhất định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
– Vậy nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2016 của lực lượng Bộ đội Biên phòng là gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam: Năm 2016, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 12 của Đảng về chiến lược bảo vệ biên giới biên phòng; đẩy mạnh và hoàn thiện chiến lược bảo vệ biên giới; tham mưu với Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về Chiến lược biên giới quốc gia.
Trong đó, chúng tôi mong muốn và sẽ tham mưu với Đảng, Nhà nước để Đề án Chiến lược biên giới quốc gia, xác định bảo vệ và xây dựng biên giới là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; có chương trình cụ thể xây dựng biên giới như quy hoạch có trọng tâm các cửa khẩu biên giới; nâng cao đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới; xây dựng lực lượng chuyên trách nòng cốt bảo vệ biên giới, nghĩa là xây dựng lực lượng Biên phòng đủ sức, đủ tầm, đủ điều kiện trang thiết bị để bảo vệ biên giới.
Cùng với đó, năm 2016, Bộ đội Biên phòng tiếp tục tổ chức tốt Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ III” tại Lạng Sơn; Chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị lần thứ II”; triển khai thực hiện Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) và Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng); tiếp tục tham mưu xử lý các điểm tồn đọng trên thực địa, đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia…
Ý kiến ()