Thứ Bảy, 04/05/2024 20:29 (GMT +7)

Để nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thế giới

Thứ 4, 25/10/2023 | 02:39:53 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, việc đẩy mạnh chế biến sâu, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tăng cường kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường là các giải pháp chủ yếu được Long An quan tâm thực hiện để góp phần đưa nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra những thị trường lớn trên thế giới.

Lãnh đạo Sở Công thương và Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tham quan quy trình sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin

Với lợi thế chuyên xuất khẩu trái cây tươi, năm 2022, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin, huyện Châu Thành đầu tư thêm công nghệ chiên chân không, cấp đông để đa dạng hóa sản phẩm. Mỗi tháng, đơn vị xuất khoảng 25 - 30 container các mặt hàng, trong đó, mít, chuối và dừa được thị trường Châu Âu ưa chuộng. Hướng tới, công ty cũng triển khai chương trình bán hàng online và cung cấp cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong nước.

Dây chuyền công nghệ chiên chân không tại công ty Vinagrin

Ông Lê Thanh Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin, huyện Châu Thành cho biết: “Khi mình mới bắt đầu vào làm sản phẩm chế biến sâu thì có trở ngại về kỹ thuật, về thị trường, khách hàng, nhưng do công ty Vinagrin có một số đối tác khách hàng từ trước cho trái cây tươi rồi, bây giờ họ chuyển qua mua hàng sấy, hàng cấp đông của mình luôn. Vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đó là rào cản tương đối khó cho doanh nghiệp để tìm được nguồn nguyên liệu sạch. Mình cũng muốn đẩy mạnh liên kết với bà con nông dân, HTX để sản xuất sản phẩm sạch, Vietgap hoặc có thời gian cách ly an toàn”.

Trái cây sấy là mặt hàng được thị trường Châu Âu ưa chuộng

Còn tại công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt, huyện Bến Lức, khoảng 60 - 80 sản phẩm được nghiên cứu, chế biến nhằm gia tăng giá trị của trái chanh – nông sản chủ lực ở địa phương, cùng một số loại khác như thanh long, khóm,… Ngoài Châu Âu, công ty còn định hướng phát triển xuất khẩu sang các thị trường mới, tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Công ty Chanh Việt mong muốn gia tăng giá trị của trái chanh qua các sản phẩm chế biến

Ông Nguyễn Văn Hiển – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt, huyện Bến Lức cho biết: “Chúng tôi tập trung vô khách hàng cũ để đáp ứng nhu cầu, thứ hai là chúng tôi cùng với các sở, ban, ngành phát triển thêm khách hàng mới và tích cực tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, chúng tôi liên kết với công ty theo hình thức “B to B” đối với những đối tác xuất khẩu nước ngoài, hiện nay, những công ty đó nhập nguyên liệu của chúng tôi để chế biến sâu hơn nữa cho sản phẩm”.

Cty Chanh Việt sản xuất khoảng 60 - 80 sản phẩm chế biến từ chanh

Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội gặp gỡ các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, Long An dự kiến tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Long An 2023” vào ngày 25/10/2023, qua đó giới thiệu tiềm năng, cơ hội thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.


Bà Châu Thị Lệ – Phó Giám đốc Sở Công thương Long An: “Hội nghị sẽ có nhiều thông tin không chỉ hữu ích cho các doanh nghiệp của tỉnh trong việc phát triển chiến lược kinh doanh; xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường tiềm năng, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với hệ thống phân phối nước ngoài; đồng thời gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho tỉnh, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu 7,2 tỷ USD vào năm 2023 và phát triển xuất khẩu bền vững trong những năm tiếp theo”.

Với những giải pháp được triển khai, kỳ vọng trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu có nhiều khởi sắc để hàng hóa, nông sản đặc trưng của tỉnh được vươn xa và “đầu ra” sẽ không còn là nỗi lo của người sản xuất./.

Thanh Thủy – Vĩnh Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu