Hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, có thể thành lập hoặc không tùy điều kiện từng địa phương.
Theo báo cáo đánh giá tác động mà Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp, phương án sắp xếp theo hướng giảm tổ chức Sở được tổ chức thống nhất (gọi tắt là Sở “cứng”) và tăng tổ chức Sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (gọi tắt là Sở “mềm”).
Theo đó, Bộ Nội vụ xác định cụ thể 12 Sở “cứng” được tổ chức thống nhất, gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch – Tài chính (hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính); Sở Công Thương; Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải ở các địa phương, riêng ở Hà Nội và TPHCM thì gộp thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND.
Điều kiện để thành lập thêm các Sở “mềm”
Ngoài ra, dự thảo nghị định đề xuất các Sở được tổ chức phù hợp với chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù, chuyên ngành (Sở “mềm”) gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ; Ban Dân tộc, Sở Nội vụ; Sở Du lịch.
Để thành lập các Sở “mềm” thì địa phương phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định. Ví dụ như việc thành lập Sở Du lịch tại một số địa phương trên cơ sở tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải đáp ứng đủ các tiêu chí: Có di sản văn hóa vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội; ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng hoặc ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; có 5 năm liên tục nằm trong 5 địa phương chưa thành lập Sở Du lịch có tổng thu từ khách du lịch cao nhất trong cả nước hoặc giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hàng năm của địa phương có tỷ trọng từ 10% trở lên.
Hay như Sở Ngoại vụ chỉ được xem xét thành lập tại các địa phương có đường biên giới trên bộ hoặc có cửa khẩu quốc tế, bao gồm: Cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường hàng không và cửa khẩu đường biển. Những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì được thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc sắp xếp, giải thể Sở Ngoại vụ trong trường hợp không đủ tiêu chí thành lập theo quy định.
Theo dự thảo nghị định, căn cứ điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc thành lập hoặc không thành lập các Sở “mềm” .
Trường hợp không thành lập các sở thì chức năng tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các sở này được giao cho sở tương ứng như sau: Giao Sở Công Thương thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc; Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, truyền thông và đổi tên Sở này thành Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi tên Sở này thành Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.
Lý giải đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ cho rằng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Việc hợp nhất 2 Sở sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn. Đồng thời bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.
Việc sáp nhập Sở nêu trên đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến khảo sát tại hai hội nghị ở miền Bắc và miền Nam; trong đó: có 38/73 phiếu ý kiến đồng ý; 28/73 phiếu ý kiến không đồng ý; 7/73 phiếu ý kiến đề nghị cân nhắc. Ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có 46/54 ý kiến đồng ý; 5/54 ý kiến không đồng ý; 3/54 ý kiến đề nghị cân nhắc.
Đối với việc thành lập Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị, cơ quan soạn thảo phân tích: Việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công – tư (BTO, BOT, BT, PPP…) luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị. Vì vậy, Chính phủ cần tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị (xây dựng nhà, cấp, thoát nước đô thị thuộc ngành xây dựng) và hạ tầng giao thông (xây dựng đường thuộc ngành giao thông).
Bộ Nội vụ cũng lấy ý kiến khảo sát qua hội nghị tại 2 miền Bắc-Nam, trong đó có 39/73 phiếu ý kiến đồng ý việc thành lập Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; 27/73 phiếu ý kiến không đồng ý; 7/73 phiếu ý kiến đề nghị cân nhắc. Ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có 44/54 ý kiến đồng ý; 7/54 ý kiến không đồng ý; 3/54 ý kiến đề nghị cân nhắc.
“Từ các vấn đề nêu trên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự giao thoa nhiệm vụ giữa phạm vi quản lý nhà nước của 2 sở, việc hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị là cần thiết. Theo đó, tại thành phố Hà Nội và TPHCM giải thể Sở Quy hoạch – Kiến trúc, chuyển chức năng tham mưu quản lý nhà nước về quy hoạch và kiến trúc về Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị”- Bộ Nội vụ diễn giải./.
Một số lần hợp nhất
Năm 2008 đã tiến hành hợp nhất Ban Thi đua – Khen thưởng và Ban Tôn giáo vào Sở Nội vụ; hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại (có địa phương là Sở Thương mại – Du lịch) thành Sở Công thương. Hợp nhất Sở Thể dục – Thể thao, Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thông tin thành Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Thủy sản với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, thành lập Sở Thông tin – Truyền thông trên cơ sở Sở Bưu chính-Viễn thông và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Đến năm 2014, Chính phủ ban hành nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng số lượng các Sở lúc này không thay đổi so với năm 2008 và đang tồn tại cho đến hiện nay./.
Ý kiến ()