Thứ Sáu, 24/01/2025 03:56 (GMT +7)

Dịch COVID-19: Việt Nam tiếp tục không ca mắc mới; thêm 6 dịch vụ cộng trực tuyến cho người bị ảnh hưởng

Thứ 4, 13/05/2020 | 10:03:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 13/05/2020 lúc 10:03

Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 12/5, Việt Nam tiếp tục có 12 giờ không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 288 ca, tròn 26 ngày Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 11.929 trường hợp; trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 329, cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.432, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 5.168 trường hợp.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 7 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 9 ca. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 12/5 có thêm 3 bệnh nhân (tái dương tính) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi: BN151, BN207, BN224.

Cách ly tập trung phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Tình hình điều trị bệnh nhân nặng hiện chỉ còn BN91 nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi, chiều ngày 12/5 được hội chẩn tiếp tục để đánh giá khả năng ghép phổi. BN19 đã chuyển trạng thái, hồi phục tốt, đã tự thở khí phòng. Việt Nam đang tạo những điều kiện tốt nhất để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Từ ngày 12/5 sẽ có thêm 6 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Nhờ vậy, người dân có thể thực hiện thủ tục để được hỗ trợ khi phải tạm hoãn, nghỉ việc không lương, vay vốn đề trả lương người lao động bị ngừng việc… trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động.

Khẳng định vai trò của điều dưỡng, hộ sinh trong đại dịch COVID-19

Chiều 12/5, tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chất lượng chăm sóc người bệnh thời gian đã có những chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Các dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng toàn diện chăm sóc sức khỏe người dân.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, các điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sỹ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch. Nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu không có ngày nghỉ, họ phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia phòng chống dịch bệnh.

Những người điều dưỡng luôn có mặt ở tất cả mọi mặt trận, mọi tuyến từ tham gia điều tra xác định người nghi ngờ nhiễm vius SARS-CoV-2 tại cộng đồng đến tiếp nhận, khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như sàng lọc, quản lý người nghi ngờ nhiễm, người có thể nhiễm bệnh tại các địa điểm cách ly tập trung.

“Thời điểm hiện tại, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Những người điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất lớn trong thành công này”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu.

Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, tháng 5 hàng năm cũng là tháng hành động về vệ sinh tay toàn cầu. Vì vậy mỗi điều dưỡng, hộ sinh cần tiếp tục quán triệt thực hiện chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu. Người điều dưỡng và hộ sinh là những người tiếp sức đầu tiên và cũng là người tiếp sức cuối cùng trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam đề nghị cần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, cần có sự tham gia của điều dưỡng, hộ sinh vào vị trí quản lý và hoạch định chính sách y tế, sớm khắc phục tình trạng điều dưỡng hệ trung cấp hành nghề trên năng lực, phấn đấu đến 2025, điều dưỡng viên đạt trình độ cao đẳng theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, 50% điều dưỡng ở nước ta mới có thời gian đào tạo nghề 2 năm, chưa đạt chuẩn ASEAN mà Việt Nam đã tham gia ký kết…

Theo chị Doãn Thị Nguyệt, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người tham gia trực tiếp cùng các bác sỹ tuyến đầu từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, đến ngày 30/4 vừa qua mới được về thăm gia đình chia sẻ: “Chúng tôi cùng các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của bệnh viện đã tạm gác lại cuộc sống thường nhật, xa gia đình, người thân yêu để làm nhiệm vụ “chống giặc COVID-19” ở nơi tuyến đầu. Các y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên thường trực 24/24h tại bệnh viện, tận tụy với công việc chăm sóc phục vụ người bệnh và phòng, chống dịch. Có những cặp vợ chồng là điều dưỡng bệnh viện nhưng vẫn không được gặp nhau, không được gặp con…”.

Sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, nhân viên toàn Bệnh viện đã giúp Bệnh Nhiệt đới Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện đã điều trị khỏi 139 ca mắc COVID-19, gần 2.000 ca nghi nhiễm đều đã được ra viện.

Dành 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại 1 triệu lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho 1 triệu lao động.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, có tới 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khoảng 26 % doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực lớn để duy trì sản xuất; doanh nghiệp và người lao động cũng có sự chia sẻ cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn như: doanh nghiệp trả lương cơ bản cho người lao động, nhiều nơi người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000 – 80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

“Trước tình hình đó, đối với các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh thì yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật trong ứng phó với dịch COVID-19

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố trực tuyến kết quả đánh giá nhanh tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật.

Đánh giá được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) và Dự án Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KV-MAP); dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Theo đó, chương trình khảo sát thu hút sự tham gia của gần 1.000 người khuyết tật trên cả nước. Chương trình nhằm thu thập các thông tin liên quan đến những khó khăn, thách thức người khuyết tật phải đối mặt hiện nay; nguyện vọng và đề xuất của người khuyết tật trong phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục sau dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật.

Trước diễn biến dịch COVID-19, người khuyết tật gặp khó khăn lớn hơn và đặc thù hơn so với nhóm người khác về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe. Do đó, chương trình khảo sát nhanh đặt tiền đề trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch lâu dài ứng phó với những khó khăn và phục hồi sau dịch bệnh.

Nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua điện thoại hoặc chăm sóc y tế tại nhà, Đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định, người khuyết tật có thể có những đóng góp quan trọng, then chốt, có giá trị vào chương trình ứng phó, phục hồi và chung sống an toàn với COVID-19 tại Việt Nam.

Tặng quà cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ngày 5/5/2020.

Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bên cạnh đó, nghiên cứu trên gần 1.000 người khuyết tật của UNDP Việt Nam nêu rõ, 30% số người khuyết tật đang thất nghiệp, 49% số người bị giảm thời gian làm việc, 59% số người có thu nhập bị cắt giảm. Hiện nay, chỉ những người có giấy chứng nhận khuyết tật đặc biệt nặng và nặng mới đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của Chính phủ, do đó nhiều người khuyết tật nhẹ không nằm trong đối tượng hỗ trợ.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng nêu rõ dấu hiệu tích cực về mức độ nhận thức của người khuyết tật về dịch COVID-19. Theo đó, 67% số người trả lời cho biết, họ nhận được thông tin đầy đủ và kịp thời về các hoạt động ứng phó dịch bệnh.

Trên cơ sở các phát hiện của đánh giá nhanh, UNDP Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị như hỗ trợ khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người khuyết tật về chăm sóc y tế; cung cấp thực phẩm, vật phẩm; trợ cấp tài chính, giảm tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước…; đồng thời, đề xuất đảm bảo khoản hỗ trợ của Chính phủ cho người khuyết tật bằng cách mở rộng đối tượng được hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục, quy trình nhận hỗ trợ, giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật thông qua hoạt động xây dựng kỹ năng tìm kiếm việc làm, tăng cường cơ hội việc làm trực tuyến tại khu vực kinh tế tư nhân…

Tăng cường VSATTP để “vừa tổ chức dạy – học, vừa chống dịch lâu dài”

Với phương châm “Vừa tổ chức dạy – học, vừa phòng chống dịch lâu dài”, ngay từ những ngày đầu học sinh đi học lại sau kỳ nghỉ để phòng chống dịch COVID-19, khối các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát y tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú.

Khu vực bếp ăn của các trường luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo quy trình chế biến một chiều. Ảnh: TTXVN

Các trường đều đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho các con trước khi vào lớp; mỗi khi ra lớp học, học sinh đều thực hiện đeo khẩu trang và sát khuẩn tay theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế; giờ ra chơi, các em luôn được nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng chống dịch; khu vực bếp ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo quy trình chế biến một chiều; thực phẩm dùng để chế biến bữa ăn bán trú cho trẻ được đảm bảo nguồn gốc dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban ATTP trong mỗi nhà trường như: Mẫu thức ăn hàng ngày luôn được niêm phong, bảo quản đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng…

Vân Sơn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/dich-covid19-viet-nam-tiep-tuc-khong-ca-mac-moi-them-6-dich-vu-cong-truc-tuyen-cho-nguoi-bi-anh-huong-20200512201338399.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu