Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 00:39 (GMT +7)
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Thêm 2 ca mắc mới từ Nga về; tiếp tục đưa 340 công dân Việt Nam tại Mỹ về nước
Thứ 2, 18/05/2020 | 06:50:00 [GMT +7] A A
Đến 18 giờ ngày 17/5, Việt Nam ghi nhận thêm hai ca mắc mới COVID-19 là hành khách từ Nga về và đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có tổng số 320 ca mắc COVID-19. Đã 31 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hai ca bệnh là: Ca bệnh 319 (BN319): Bệnh nhân nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng. Ngày 13/5, bệnh nhân từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 16/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh 320 (BN320): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 15/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Tiếp nhận cách ly người từ nước ngoài về tại các khu cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 10.962 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 293; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.631; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.038 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện đã có 12 ca bệnh từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có 2 ca bị viêm phổi. Trong số các ca đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 12 ca.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19 đánh giá, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.
Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Đưa trên 340 công dân Việt Nam từ Hoa Kỳ về nước an toàn
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong các ngày 15 và 16/5/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở hơn 340 công dân Việt Nam từ Washington DC (Hoa Kỳ) về nước an toàn.
Hành khách vào khu vực hỗ trợ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ ở sân bay quốc tế Washington Dulles, Washington DC, Mỹ. Ảnh: Đặng Huyền/Pv TTXVN tại Mỹ.
Hành khách trên chuyến bay đến từ nhiều bang ở Hoa Kỳ, bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền, thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh), sinh viên không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, các trường hợp đi công tác, du lịch, thăm thân lưu lại nước sở tại do các hãng hàng không tạm ngừng các chuyến bay và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. Để giúp công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cử cán bộ trực tiếp đến sân bay phối hợp với hãng hàng không để hỗ trợ công dân trước khi lên máy bay về nước.
Trong suốt chuyến bay, hành khách và toàn bộ tổ bay chấp hành đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ. Ngay sau khi về đến sân bay quốc tế Nội Bài, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương của Việt Nam.
Cần xử nghiêm người nhập cảnh trái phép từ Campuchia mang nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Luật sư Đỗ Minh Hiển – Văn phòng luật sư JVN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong khi Việt Nam đang ngày đêm chống dịch COVID-19, ca bệnh 315 (BN315) đã có hành vi nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, vi phạm quy định của Bộ Luật hình sự (BLHS) (năm 2015, sửa đổi năm 2017 về “tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh” quy định tại điều 347.
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân trước khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại biên giới Tây Ninh.
Ảnh: Thanh Tân/TTXVN.
Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, điều 347 BLHS quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Nếu trước đó, BN 315 chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này sẽ không bị khởi tố nhưng hành vi nhập cảnh trái phép bị áp mức phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng (điểm a, khoản 3, điều 17).
Ngoài ra, nếu Campuchia được coi là vùng có dịch thuộc nhóm A, BN 315 còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi: “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.
Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 16/5, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh. Trong đó, có 1 trường hợp trở về từ Campuchia bằng xe khách và đã tiếp xúc với 17 người.
BN315 là bệnh nhân nam, 39 tuổi, từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 2/5, đến nhà người dì ruột tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Theo yêu cầu của người dì, người đàn ông này đã tới ngay công an xã trình báo, được giữ cách ly tại xã tới sáng 3/5. Sáng 3/5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại K71. Tối 15/5, mẫu xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân này được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được cách ly theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn gian nan trong bối cảnh các ca nhiễm mới tại các nước, vùng quốc gia và lãnh thổ trên thế giới vẫn tăng mạnh. Trước đó, Việt Nam có trường hợp BN178 (Thái Nguyên), một số bệnh nhân mắc COVID-19 cũng được cơ quan chức năng xác nhận, khai báo y tế không chính xác và không tuân thủ lệnh cách ly như: BN 17, 34, 100… khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Theo đó, các trường hợp trên đã không khai báo y tế hoặc không chịu áp dụng các biện pháp cách ly y tế đã chỉ tính tới lợi ích của cá nhân mà không nghĩ tới sức khỏe tính mạng của cộng đồng. Các hành vi này đã vi phạm quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Nhiều ý kiến cho rằng: Hiện Việt Nam mới chỉ xử lý với những đối tượng đưa tin, đe dọa, quấy rối, xúc phạm liên quan đến danh dự, nhân phẩm người khác… Tuy nhiên, với hành vi liên quan đến cưỡng chế cách ly y tế và khai báo y tế, Việt Nam vẫn chưa xử lý nghiêm các trường hợp tương tự. Nhiều luật sư cho rằng, khi phát hiện hành vi bỏ trốn cách ly và hậu quả xảy ra làm lây lan dịch bệnh cho người khác, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật.
Trước đó, Luật sư Phạm Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh: Hành vi trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh, gây những hậu quả xấu cho xã hội và đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người nếu có đủ dấu hiệu của “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 BLHS, đó là hành vi của người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc. Mức hình phạt tù đối với tội này lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/dien-bien-dich-covid19-tai-viet-nam-them-2-ca-mac-moi-tu-nga-ve-tiep-tuc-dua-340-cong-dan-viet-nam-tai-my-ve-nuoc-20200517175046307.htm
Ý kiến ()