Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 06:43 (GMT +7)
Đổi mới để chống tụt hậu và xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh –
Thứ 4, 20/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đã đề cập đến một loạt vấn đề, mà theo đồng chí đều có ý nghĩa hệ trọng đối với Đảng, với đất nước hiện nay. Về mối quan tâm đối với Đại hội Đảng lần thứ XII, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng nói:
Hiện nay cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm đến Đại hội XII của Đảng. Người dân lo việc này, lo việc khác của Đảng thì tốt. Nhờ có những ý kiến như vậy, có những mối lo như vậy, đã góp thêm sức mạnh cho Đảng…
Chống cho được sự tụt hậu và tha hóa trong bộ máy
Đó là hai nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng lần thứ XII cần tập trung bàn hướng giải quyết. Muốn giải quyết được hai nhiệm vụ đó, chỉ có tiếp tục đổi mới và đổi mới sâu sắc, toàn diện trong nhiệm kỳ này. Đi vào phân tích sâu điều cốt lõi này, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng nói:
Lâu nay tôi thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức lo lắng hai điều, đó là đất nước tụt hậu xa hơn và một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy chính quyền, trong hệ thống chính trị bị tha hóa, tham nhũng, tiêu cực. Về mối lo thứ nhất, chúng ta thấy so với chính mình thì có tiến lên, có nhiều thay đổi và thành công nhất định. Nhưng mà sau một thời gian 30 năm đổi mới, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì sự tụt hậu của chúng ta là rất rõ. Còn mối lo thứ hai cũng đáng lưu ý ở một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa. Khi Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có quyền lực thì bản thân quyền lực với mặt trái của nó đã làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Từ chỗ tha hóa nó làm cho Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị của chúng ta yếu đi, nó làm cho dân mất lòng tin đối với Đảng và Nhà nước.
– Đảng phải có quyết sách, quyết tâm để giải quyết những mối lo này, thưa đồng chí?
Theo tôi, Đại hội XII của Đảng nên tập trung bàn để giải quyết được hai vấn đề trọng tâm đó. Trọng tâm thứ nhất là giải quyết tình trạng tụt hậu, để đất nước phát triển lên, phát triển mạnh mẽ và bền vững, chứ không thì mình sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, rồi loay hoay trong đó hàng chục năm chưa ra được. Trong thời gian đấy, các nước người ta sẽ đi xa nữa và chúng ta sẽ bị nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng phải tập trung giải quyết cho được vấn đề tụt hậu và tìm cách phát triển vượt lên. Muốn giải quyết được cái đó thì phải đổi mới, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện. Trong dự thảo văn kiện Đại hội XII có nói đến đổi mới phải toàn diện, đồng bộ. 30 năm qua nếu không có đổi mới, chúng ta không biết ở đâu, chắc tệ lắm, hỏng lắm, thậm chí là đổ vỡ. Nhờ có công cuộc đổi mới nên hôm nay đất nước mới được như thế này. So với ngày trước thì khá lắm rồi. Nhưng mà 10 năm gần đây, công cuộc đổi mới có phần chựng lại, nó không được như 20 năm đầu. Cái đó cũng là chuyện dễ hiểu, bởi có những giải pháp đưa ra nó tác dụng ở một giai đoạn nhất định, sau đó là hết tác dụng. Nếu không kịp thời đưa ra những giải pháp tiếp theo thì nó chựng lại. Ví dụ như trước kia, ở giai đoạn 20 năm trước, chúng ta phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thì những giải pháp phát triển theo chiều rộng là nó khác. Vài nhiệm kỳ gần đây, chúng ta nói đến phát triển theo chiều sâu. Những giải pháp phát triển theo chiều sâu chưa đủ mạnh, thế nên tình hình có chựng lại.
– Vấn đề đổi mới được đặt ra để trình Đại hội Đảng lần thứ XII như thế nào, thưa đồng chí?
Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định phải đổi mới đồng bộ và toàn diện. Tôi nghĩ chỉ có đổi mới mới chống lại tụt hậu xa hơn, phát triển lên, chống lại tha hóa, tham nhũng, tiêu cực. Phải xác định đổi mới là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Đổi mới nó liên quan đến phát triển đất nước, phát triển dân tộc; đổi mới cũng để tập hợp lực lượng của cả nước để giữ nước, bảo vệ Tổ quốc; đổi mới để đạt được mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội về thực chất. Đổi mới quan trọng vậy đó. Ngày nay, nếu dân tộc mà không phát triển thì cũng khó mà độc lập. Độc lập ngày xưa là đánh đuổi xâm lược. Độc lập ngày nay phải mạnh lên, phát triển lên, nếu không sẽ ảnh hưởng đến độc lập dân tộc.
Kế đến là xây dựng Đảng và Nhà nước, tất nhiên là cả hệ thống chính trị nữa. Cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trước nhất là trong sạch, có trong sạch mới vững mạnh; không trong sạch không thể có vững mạnh. Trong sạch là nền tảng của vững mạnh. Một hệ thống chính trị trong sạch thì mới thể hiện tính chân chính; mà chân chính mới tập hợp được lòng người. Muốn trong sạch phải chống được tham nhũng, chống được “lợi ích nhóm” tiêu cực.
Như tôi đề cập ở phần trên, đại hội lần này nên tập trung hai nhiệm vụ quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới để phát triển đất nước và xây dựng bộ máy trong sạch, trong đó đặc biệt là chống cho được tham nhũng và lợi ích nhóm.
Nhân dân kỳ vọng Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra các quyết sách đúng đắn
(Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI). Ảnh: Tư liệu
Đổi mới cơ chế tuyển chọn cán bộ
– Để thực hiện tốt được hai nhiệm vụ quan trọng đó trong nhiệm kỳ này, chúng ta phải có cán bộ, có con người?
Với cán bộ như thế nào đó thì công cuộc đổi mới sẽ thành công; với cán bộ như thế nào đó thì công cuộc đổi mới không thành công; với cán bộ như thế nào đó có thể xây dựng bộ máy trong sạch; với cán bộ như thế nào đó thì không giải quyết được vấn đề chống tham nhũng và xây dựng bộ máy trong sạch. Theo tôi, chọn cán bộ là khâu có tính chất quyết định đối với hai nhiệm vụ trên. Việc chọn cán bộ, tất nhiên là cả nhiệm kỳ, chứ không phải chỉ ở đại hội. Nhưng đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó quyết định đối với công tác cán bộ trong cả một nhiệm kỳ. Tôi nghĩ, sau đại hội và trong suốt nhiệm kỳ phải hết sức chú ý đến công tác cán bộ. Đại hội phải chọn ra được một Ban Chấp hành bao gồm những người không tham nhũng, không có “lợi ích nhóm”, tiêu cực; phải chọn cho được những người có năng lực, có khả năng đổi mới để đưa đất nước tiến lên, để khắc phục tình hình khó khăn, tụt hậu xa hơn. Đảng phải tích cực, khẩn trương và có quyết tâm để nghiên cứu, đổi mới cơ chế chọn cán bộ.
– Nhiều năm qua chúng ta thiếu hẳn một cơ chế tuyển chọn, sử dụng nhân tài. Trong bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị đang rất thiếu người tài?
Công tác chọn cán bộ của Đảng ta mấy nhiệm kỳ qua, từ sau hòa bình đến nay, có thể nói là chưa chọn được nhiều nhân tài trong bộ máy. Thời chiến tranh, Đảng tập hợp được nhiều nhân tài. Thời ấy chọn được nhiều nhân tài ngoài việc có ngọn cờ đại nghĩa, có khả năng tổ chức lực lượng của Đảng, có ban lãnh đạo giỏi, còn có sức hút của hồn nước khi Tổ quốc lâm nguy. Không có những cái đó thì không thắng nổi đối phương mạnh như thế được đâu. Hồn nước tập hợp được sức mạnh. Khi đất nước lâm nguy, nhân tài khắp nơi đổ về. Có cờ nghĩa quy tụ được nhân tài. Thời bình, việc có tập hợp được nhân tài hay không chủ yếu do cơ chế, do những người lãnh đạo, do cách lựa chọn, sử dụng nhân tài. Do vậy, cần có một cơ chế để lựa chọn nhân tài. Trong cơ chế đó phải phát huy dân chủ để phát hiện nhân tài, phát huy dân chủ trong lựa chọn, minh bạch thông tin trong lựa chọn, có cơ chế ứng cử và tranh cử lành mạnh. Phải loại bỏ chuyện mua quan bán chức, chạy chọt để có chức có quyền. Phải loại bỏ những chuyện đó bằng cơ chế. Không làm được thế thì ai có tiền là họ mua được chức này chức nọ.
– Theo đồng chí, nhân dân hiện nay mong gì ở Đảng lãnh đạo?
Theo những thông tin tôi biết được, dân mong Đảng lãnh đạo giương cao được ngọn cờ đổi mới, ngọn cờ dân chủ, đại nghĩa để đưa dân tộc tiến lên, đất nước phát triển lên và có một hệ thống chính trị, một bộ máy lãnh đạo quốc gia trong sạch, lành mạnh, đủ năng lực, công tâm, hết lòng vì dân vì nước. Có được như vậy thì nhân dân sẽ hết lòng ủng hộ Đảng. Còn trái lại với điều đấy, lòng tin của dân tiếp tục giảm.
– Theo đồng chí đâu là giải pháp quan trọng nhất để xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị?
Quyền lực bao giờ cũng có mặt trái của nó. Khi quyền lực đã đến đỉnh vinh quang nhất thì đấy là lúc nó bắt đầu xuống dốc; khi có trong tay tất cả thì có nghĩa là lúc bắt đầu mất dần. Trong các giải pháp để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho tốt, cho trong sạch, vững mạnh, nhất thiết ở Đại hội Đảng lần này phải bàn đến và không thể không có, đó là giải pháp kiểm soát quyền lực. Đầu tiên là kiểm soát quyền lực bằng chính bộ máy quyền lực. Sử dụng bộ máy quyền lực để kiểm soát quyền lực; rồi cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực. Nhân dân với tư cách là người chủ quyền lực. Dân ủy quyền cho Nhà nước, ủy quyền nhưng không mất quyền. Cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực ấy nhưng không được lộng quyền, chỉ sử dụng quyền lực ấy vào việc bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân, không được sử dụng vào mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Do vậy phải có cơ chế kiểm soát quyền lực trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị. Không kiểm soát quyền lực thì nó sẽ lồng lên như con ngựa bất kham, quật ngã luôn người cưỡi, tha hóa dẫn đến đổ ngã.
– Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI NAM – SGGP(thực hiện)
Ý kiến ()