Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 17:40 (GMT +7)
Đồng ruble Nga mất giá mạnh
Thứ 5, 07/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đồng ruble Nga chiều 6/1 tiếp tục giảm sâu, hạ xuống mức kỷ lục mới lần thứ 2 trong ngày kể từ tháng 12/2014.
Bảng tỉ giá giữa đồng ruble và các đồng ngoại tệ tại Moskva ngày 15/12/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại sàn giao dịch Moskva, đồng ruble giao dịch ở mức 75,10 ruble/USD, tuy nhiên đến 17h20 (21h20 giờ Hà Nội) đã tăng lên mức 74,872 ruble/USD. Như vậy, đồng ruble đã mất giá 2,21% so với phiên đóng cửa trước đó.Trong phiên giao dịch sáng 6/1, đồng USD đã tăng giá lên mức mức kỷ lục kể từ tháng 12/2014, phá vỡ ngưỡng 74 ruble/USD. Đồng euro cũng tăng lên trên mốc 80 ruble, giao dịch ở mức 80,69 ruble/euro, tăng 2% so với mức giá đóng cửa ngày 5/1.
Đồng ruble Nga mất giá trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc. Giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 2 tại thị trường London vào hồi 17h28 giờ Moskva (21h28 giờ Hà Nội) giảm 4,85% so với mức đóng cửa ngày hôm trước, còn 34,66 USD/thùng. Giá dầu giao dịch ở mức thấp nhất trong phiên 6/1 là 34,57 USD/thùng.
Giá dầu ở mức thấp nhất 11 năm qua do đồng nhân dân tệ và nền kinh tế của Trung Quốc yếu đi, cũng như dự đoán về dự trữ dầu tại Mỹ tăng cao hơn so với dự kiến. Tất cả các yếu tố này cho thấy tình trạng dư thừa nguồn cung tiếp tục chi phối thị trường.
* Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết trong phiên giao dịch ngày 6/1, một CAD chỉ đổi được 70,90 cent Mỹ. Lần gần đây nhất đồng CAD xuống dưới ngưỡng 71 cent Mỹ là tháng 8/2013, sau khi phục hồi nhẹ từ mức thấp kỷ lục 61,79 cent Mỹ hồi tháng 1/2002.
Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Montreal Douglas Porter, nền kinh tế Canada đặc biệt nhạy cảm với giá dầu nên sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ biến động giá của mặt hàng vàng đen. Ông nói: “Dù muốn hay không, kinh tế Canada và đồng nội tệ Canada đang chịu những tác động mạnh từ giá dầu vì Canada là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới”.
Ông Douglas nhận định những tác động hiện nay sẽ kéo dài ít nhất tới mùa Xuân và nhiều khả năng đồng CAD sẽ tiếp tục trượt giá xuống dưới ngưỡng 70 cent Mỹ trước khi phục hồi trở lại. Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Montreal, đồng USD mạnh lên, giá dầu giảm và sự khác biệt trong chính sách tỷ giá của Mỹ và Canada là những nguyên nhân quan trọng làm tăng áp lực lên đồng CAD.
Nhận định về tác động của đồng CAD mất giá đối với nền kinh tế, ông Douglas cho rằng khi đồng nội tệ càng yếu, các nhà sản xuất, chế tạo, các công ty công nghệ và ngành du lịch của Canada càng hưởng lợi. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt thòi do giá các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng từ Mỹ, đang nhích dần lên.
Ý kiến ()