Thứ Hai, 13/01/2025 23:56 (GMT +7)

Dự án Sân bay Long Thành: Đề xuất hàng loạt cơ chế chưa từng có

Thứ 4, 27/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hàng loạt cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được tỉnh Đồng Nai trình Thủ tướng Chính phủ để có mặt bằng sạch xây siêu dự án Sân bay Long Thành ngay trong năm 2019.

du an san bay long thanh: de xuat hang loat co che chua tung co hinh 0
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành (ảnh minh họa: KT)

Sau rất nhiều chờ đợi, UBND tỉnh Đồng Nai vừa gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

Với quy mô diện tích thu hồi lên tới 5.000 ha, trải rộng trên địa bàn 6 xã là Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ dân với 15.000 nhân khẩu. Đây là thách thức rất lớn, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể đưa vào vận hành Sân bay Long Thành giai đoạn I vào năm 2025 là Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500 ha không chậm hơn đầu năm 2019.

“Bên cạnh việc xây dựng khung chính sách theo Điều 87, Luật Đất đai năm 2013, Đồng Nai xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ đào tạo nghề… để có thể đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng”, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Được biết, đề xuất đặc thù đầu tiên là việc tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành tiểu dự án riêng và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này. Nếu chiểu theo Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014) và Luật Đất đai (2013) thì sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng mới xem xét cho tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Như vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ngay cả khi làm rốt ráo, gặp nhiều thuận lợi thì phải sau 3 năm (đến năm 2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Như vậy, chắc chắn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của Quốc hội là đưa Sân bay Long Thành vào sử dụng năm 2025.

Tỉnh Đồng Nai cũng xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2016 để xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành. Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng sân bay Long Thành được phê duyệt; đồng thời áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công đối với 2 dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành.

Liên quan tới nhóm cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Đồng Nai đề nghị một loạt hỗ trợ chưa có trong quy định của pháp luật đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất.

Đáng chú ý nhất, là việc địa phương xin áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng/ha để bồi thường cho cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, đơn vị dự kiến có khoảng 1.777 ha đất trồng cây công nghiệp nằm trong công địa xây dựng Sân bay Long Thành.

Đồng Nai cũng đề nghị quy định hỗ trợ học phí, chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa (đối với trẻ mầm non) cho các đối tượng thuộc hộ gia đình diện tái định cư hoặc phải di chuyển chỗ ở đang theo học tại tất cả các cấp học; hỗ trợ mỗi cá nhân thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án một thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng 3 năm…

Trước mắt, để có nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư di dời các hộ dân có tổng kinh phí lên tới 5.440 tỷ đồng, Đồng Nai xin sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng và cho phép phát hành trái phiếu chính phủ dưới hình thức công trái xây dựng Tổ quốc, có kỳ hạn 1 năm trở lên, lãi suất của trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư Dự án.

Được biết, trong buổi kiểm tra thực địa dự án xây dựng Sân bay Long Thành và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai về các cơ chế, chính sách để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Sân bay Long Thành đối với địa phương, khu vực và cả nền kinh tế. Phó thủ tướng cho rằng, đây là dự án quan trọng quốc gia, với mục tiêu đạt tiêu chuẩn cấp 4F, hướng trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hoá, hành khách quốc tế của khu vực. Phó thủ tướng đồng ý, nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù, cách làm phù hợp để có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, sớm đưa Sân bay Long Thành vào khai thác.

“Cần xây dựng cơ chế đặc thù, rút ngắn thời gian chuẩn bị, tiến hành khởi công sớm. Công tác chuẩn bị phải thật khẩn trương, để muộn nhất năm 2019 phải khởi công được dự án, đáp ứng mục tiêu đưa vào sử dụng giai đoạn I trong năm 2025”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu./.

Theo Báo Đầu tư

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu