Bà Rịa-Vũng Tàu được thiên nhiên ưu đãi với bãi biển dài hơn 300 km, bãi cát thoai thoải, nước biển trong xanh. Huyện Côn Đảo, nơi vẫn lưu giữ được nét đẹp tự nhiên, hoang sơ vốn có. Huyện Xuyên Mộc với Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, suối nước nóng Bình Châu.
Bà Rịa-Vũng Tàu còn có các di tích lịch sử như: địa đạo Long Phước, Kim Long, khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen, bến Lộc An với đường Hồ Chí Minh trên biển, nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo... Bên cạnh đó là các lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ hội Nghinh Ông, Lệ Cô, Vía Ông, Trùng Cửu…
Với những giá trị thiên nhiên ban tặng, những di sản lịch sử, văn hóa truyền thống không phải nơi nào cũng có được, nên từ khi thành lập tỉnh năm 1991, Bà Rịa Vũng Tàu đã đặt ngành du lịch vào trọng tâm phát triển kinh tế.
Từ quy mô 10 đơn vị kinh doanh du lịch, trên 50 khách sạn, biệt thự với 3.155 phòng ngủ ban đầu, đến nay Bà Rịa Vũng Tàu đã có 77 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao với 4.245 phòng; có khoảng 700 khách sạn tư nhân, nhà nghỉ, nhà trọ với 4.000 phòng.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trùng Dương–Thái Sơn, chủ đầu tư dự án The Maris- Vũng Tàu, một khu phức hợp nghỉ dưỡng 5 sao với quy mô 23ha tại TP.Vũng Tàu cho biết:
“Sở dĩ, Bà Rịa-Vũng Tàu hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bởi ở đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thời tiết thuận lợi để phát triển du lịch quanh năm. Tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như về đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực…".
Thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành du lịch không ngừng tăng. Trong giai đoạn 1996-2000, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 6 dự án với vốn đăng ký gần 600 tỷ đồng. Giai đoạn 2001 – 2005, Bà Rịa-Vũng Tàu có 64 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 5.000 tỷ đồng… Đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 130 dự án du lịch với diện tích là 2.952 ha. Trong đó có 114 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn là 482 tỷ đồng và 8,9 triệu USD.
Tính đến nay, trung bình mỗi năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút trung bình 15–16 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Tổng doanh thu ngành du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng/năm, tăng gấp hàng chục lần so với những ngày đầu thành lập tỉnh. Đây là con số đáng tự hào. Song con số này có thể tăng gấp nhiều lần nếu như Bà Rịa-Vũng Tàu giải được bài toán “bẫy du lịch ngắn ngày”.
Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa, dự án du lịch đầu tiên và duy nhất tại khu vực bãi Dâu của TP.Vũng Tàu được đưa vào vận hành từ tháng 4/2019. Đây được xem là “thiên đường nghỉ dưỡng” với dịch vụ đẳng cấp quốc tế châu Âu, nằm tọa lạc trên đường Trần Phú, tuyến đường ven biển đẹp nhất thành phố. Tuy nhiên, ở “thiên đường nghỉ dưỡng” bậc nhất TP.Vũng Tàu đến nay vẫn còn thiếu dịch vụ để giữ chân du khách.
Bà Đặng Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành Marina Bay Vũng Tàu Resort&Spa cho biết: “Hiện nay ngoài nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản, TP.Vũng Tàu đang thiếu các dịch vụ về biển nên du khách lưu lại không dài. Chúng tôi muốn được hình thành các khu trò chơi, dịch vụ về biển như: Phao nước, chèo thuyền kazac, lướt ván dù, bến du thuyền… Để làm được việc này, Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”.
Bà Đặng Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành Marina Bay Vũng Tàu Resort&Spa cho biết: “Hiện nay ngoài nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản, TP.Vũng Tàu đang thiếu các dịch vụ về biển nên du khách lưu lại không dài. Chúng tôi muốn được hình thành các khu trò chơi, dịch vụ về biển như: Phao nước, chèo thuyền kazac, lướt ván dù, bến du thuyền… Để làm được việc này, Marina Bay Vũng Tàu Resort & Spa rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”.
Nghị quyết 9 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là kinh tế trụ cột, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thông minh. Với tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng đẳng cấp, điểm đến vui chơi giải trí đặc sắc hàng đầu Việt Nam, nổi tiếng trong khu vực. Phấn đấu đứng trong tốp 10 điểm đến du lịch biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đến 2045, Bà Rịa Vũng Tàu là điểm đến du lịch nổi tiếng trên bản đồ khu vực và thế giới, có hệ thống chuỗi đô thị du lịch ven biển sôi động với các loại hình sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển của ngành kinh tế trụ cột, ngay từ bây giờ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã quy hoạch, xây dựng không gian du lịch với 5 cụm là: Trung tâm du lịch TP.Vũng Tàu và phụ cận, cụm du lịch Long Hải-Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh-Thị Vải, cụm du lịch Bình Châu-Hồ Tràm và du lịch Côn Đảo.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, với chiến lược phát triển này, khu vực ven biển của Xuyên Mộc trở thành trung tâm du lịch đa sắc màu, phong phú về loại hình và đẳng cấp, biến khu vực Hồ Tràm – Bình Châu thành điểm đến du lịch chất lượng cao.
Theo ông Alvaro Berton, Tổng Giám đốc điều hành Melia Hồ Tràm khẳng định, với chiến lược, tầm nhìn phát triển du lịch, trong đó với điểm nhấn là khu vực Hồ Tràm, người dân Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tự hào khi ở đây có những sản phẩm đẳng cấp như: Cầu ngắm biển dài nhất Đông Nam Á, khu phố thương mại Hamptons.
Tuy nhiên, ông Alvaro Berton cũng cho rằng: “Để du lịch phát triển bền vững, các doanh nghiệp cùng chung quan điểm phải tăng thêm hàm lượng giải trí, trải nghiệm để thu hút du khách suốt tuần. Muốn như vậy phải làm cho tuyến biển, bãi biển sống động; kết nối tài nguyên rừng biển, tạo thành tour tuyến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn”.
Chiến lược phát triển du lịch của Bà Rịa Vũng Tàu đặt người dân, lợi ích cộng đồng vào vị trí trung tâm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp du lịch uy tín quan tâm đầu tư.
Cụ thể, TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch đường sông, các điểm du lịch sinh thái cũng như tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Thị xã Phú Mỹ tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với các mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện Long Điền tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn kết giữa du khách với các làng nghề truyền thống, như: Nghề bánh tráng và nghề muối của xã An Ngãi, nghề bánh hỏi của xã An Nhứt.
Huyện Côn Đảo tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với thưởng thức văn hóa, âm nhạc, ẩm thực, sản phẩm nho rừng và sâm Côn Đảo, trồng sâm Côn Đảo, câu cá, ẩm thực, sản phẩm sâm Côn Đảo. Đồng thời phát triển du lịch cộng đồng khu vực ven núi Côn Đảo.
Còn huyện Đất Đỏ tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thưởng thức văn hóa truyền thống. Bà Đồng Thị Như Hồng, Giám đốc Kinh doanh Resort Lan Rừng – Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho biết, nhiều du khách quan tâm đến xã Phước Hải vì ở đây có nhiều món ngon nức tiếng “chả cá Phước Hải” hay “làng chài Phước Hải” có tuổi đời hơn 100 năm.
“Phước Hải còn có nghề chài lưới truyền thống, du khách có thể trải nghiệm cùng ngư dân để cảm nhận cuộc sống làng chài, những sản vật biển do thiên nhiên ban tặng. Do đó, chúng tôi muốn khu vực làng chài Phước Hải trở thành điểm mới về mô hình nghỉ dưỡng kết hợp giải trí, lấy không gian biển, rừng làm chủ đạo”, bà Đồng Thị Như Hồng cho biết thêm.
Với quy hoạch tổng thể ngành du lịch gắn với chiến lược phát triển của kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm của du lịch khu vực phía Nam, là điểm đến hấp dẫn, là điểm du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực và châu Á./.
Ý kiến ()