Tất cả chuyên mục

Dựng cây nêu là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tuy qua thời gian, phong tục ấy dần bị giản lược nhưng tại Long An, một số gia đình vẫn còn gìn giữ.
Lễ cúng tổ tiên ngày dựng nêu
Đối với ông Nguyễn Huỳnh Triều, trên mâm cổ luôn có tục xin chữ như người xưa
Cây nêu Tết Tân Sửu ở nhà ông Huỳnh Triều có chiều cao trên 10 mét và tấm phướn dài 8 mét
Đối với gia đình ông Nguyễn Huỳnh Triều, ngụ tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An – truyền nhân đời thứ 7 của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức – thì Tết không chỉ là ngày vui của cả dân tộc, ngày đoàn viên của các gia đình mà còn là dịp nhớ ơn tổ tiên, dòng họ và những tiền nhân có công khai hoang lập ấp. Và dựng cây nêu là một trong những cách mà ông thể hiện lòng tri ân, báo cáo thành tích lao động của gia đình, dòng họ trong năm vừa qua với tổ tiên và các bậc tiền nhân. Bởi thế mà dù đã giản lược một số phong tục không cần thiết trong ngày Tết nhưng nhiều phong tục truyền thống như dựng cây nêu vẫn được gia đình ông Triều gìn giữ và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau.
Tấm phướn dài 8 mét vươn lên nền trời, một biểu tượng của niềm tự hào về nét văn hóa Tết xưa
Ông Nguyễn Huỳnh Triều – ngụ tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An là một trong những người dày công giữ gìn những giá trị truyền thống
Ông Nguyễn Huỳnh Triều chia sẻ: “Ngày dựng nêu nó còn phụ thuộc vào vùng miền, có nơi dựng ngày rằm, có nơi đến ngày 30 tháng Chạp mới dựng. Riêng dòng họ Nguyễn Huỳnh chúng tôi thì từ xưa đến nay dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Cây nêu càng cao thì thể hiện sự sung túc, vươn lên của chủ nhân trong một năm lao động. Cây nêu tổng quan ý nghĩa của nó là để xua đuổi tà ma. Tên ban đầu của nó là cây tiêu, dần dà gọi trại ra là cây nêu.Trên cây nêu, người xưa treo vào những nông sản đặc trưng của địa phương mà người ta trồng trọt được như lúa, bắp, khoai củ, bầu bí…phía trên hết thì treo trái bầu, tượng trưng cho sự tôn kính đối với người mẹ…Cây nêu còn có ý nghĩa đặc biệt và rất thực tế đó là theo qui ước của người xưa, từ ngày dựng cây nêu đến ngày hạ nêu là những ngày vui, người nghèo cách mấy mà nếu thiếu nợ thì cũng không ai có quyền đến đòi nợ…”
Cứ mỗi dịp tết đến, gia đình ông Huỳnh Triều lại dựng cây nêu vào ngày Táo Quân chầu trời – 23 tháng Chạp – và được trang trí với đèn lồng, giỏ vật phẩm, gồm bánh tét, gạo, muối cùng chuông gió.
Cây nêu càng cao thì càng cho thấy sự sung túc
Cây nêu cao, đứng vững chải trước sân nhà và thỉnh thoảng vang lên âm thanh vui tai của tiếng chuông gió,… tất cả tạo nên một không gian Tết ấm cúng, ý nghĩa và có chút hoài niệm Tết xưa khi văng vẳng đâu đây câu hát:”Cu kêu ba tiếng cu kêu/Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()