Thứ Tư, 25/12/2024 19:54 (GMT +7)

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Về vùng đất hai di sản văn hóa thế giới

Thứ 4, 06/04/2022 | 10:35:36 [GMT +7] A  A

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tỉnh Phú Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo phần lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính mang tính cộng đồng sâu sắc và các hoạt động phần hội vui tươi, lành mạnh gắn với hai Di sản văn hóa thế giới là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan Phú Thọ".

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tỉnh Phú Thọ tổ chức theo quy mô cấp tỉnh. Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN

Quảng bá đậm nét “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”

 “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” là chủ đề của Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần – 2022. Lễ Giỗ Tổ năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Giỗ Tổ gồm nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để đồng bào trong nước và nước ngoài hiểu thêm về giá trị to lớn của di sản.

Trong suốt những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Đồng thời, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa” tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Trưng bày tư liệu tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì; trưng bày sách, báo, tư liệu tại Thư viện tỉnh.

Đặc biệt, ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và vinh danh con cháu Vua Hùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến ở gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trực tiếp trên hệ thống truyền thông của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”.

Sở đã tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Tổ chức trình diễn hát Xoan tại đình làng cổ

Sau khi hát Xoan được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những làn điệu hát xoan đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Về Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, du khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ-Phú Thọ và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Theo các nhà nghiên cứu, di sản hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được là nhờ trong nghi thức có hát Xoan. Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Từ thời các vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát, mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng. Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.

Theo TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu