PV: Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là diễn ra một sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng XII. Với vai trò Chủ tịch Mặt trận Thái Nguyên, đại diện tiếng nói của bà con trong tỉnh, ông có mong muốn gì gửi tới Đại hội lần này?
Chúng tôi cũng mong muốn nạn tham nhũng phải được diệt trừ, tình trạng lãng phí phải được loại bỏ. Muốn làm được việc này phải có cơ chế. Tuy vậy, không có cơ chế nào tốt bằng những người lãnh đạo cấp cao, những người có chức, có quyền phải thực sự gương mẫu.
Hiện nay chúng ta thường nói đến nạn “chạy chức chạy quyền” và thường mới nói đến khía cạnh “người chạy” mà quên đi việc có người “cho chạy” thì mới có người “chạy”. Vậy chỉ khi không còn người “cho chạy” thì người ta mới không chạy chức chạy quyền nữa.
PV: Trong thời gian qua, Đảng cũng đã ban hành nhiều chủ trương tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là việc Bộ Chính trị ban hành các quyết định số 217, 218 về quy chế giám sát, phản biện xã hội. Sau gần 2 năm thực hiện, quy chế này phát huy tác dụng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Minh: Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”. Đây là quyết định nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy vậy, quyết định 217, 218 là chủ trương của Đảng nhưng vẫn chưa có tính luật hóa, nên trong việc thực hiện vẫn còn có khó khăn. Những người làm công tác Mặt trận đang thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội mong muốn những nội dung được quy định trong Quyết định 217, 218 được luật hóa, trở thành thể chế bắt buộc.
Hiện tại, MTTQ thực hiện công tác giám sát nhưng mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất kiến nghị, chứ không có quyền xử lý nên vẫn chưa có tính răn đe. Nhiều khi, có đơn vị sau khi Mặt trận giám sát, chỉ ra sai phạm và đề xuất kiến nghị nhưng cuối cùng đâu lại vào đó, sai phạm vẫn như cũ vì chưa có luật quy định bắt buộc phải sửa chữa, khắc phục sai phạm. Vì thế, chúng tôi tha thiết mong những quy chế về giám sát và phản biện xã hội dần dần được luật hóa thì công tác này mới đạt hiệu quả cao.
PV: Thưa ông, một thực tế hiện nay tiếng nói của Mặt trận ở nhiều nơi còn yếu, một trong những nguyên nhân là sự phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền đôi khi chưa hiệu quả. Theo ông, cần phải làm gì để công tác Mặt trận ở địa phương thực sự có hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Minh: Ở một số địa phương vẫn còn có hiểu chưa đúng về công tác Mặt trận, vẫn chưa đặt đúng vai trò, vị trí của Mặt trận. Vì thế nếu nói chính quyền hỗ trợ Mặt trận là chưa chính xác trong thực hiện nhiệm vụ.
Trách nhiệm của chính quyền là phải tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động, bởi mặt trận hoạt động là giúp chính quyền hoạt động có hiệu quả hơn. Nói đúng ra, chính quyền phải đảm bảo, tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động, chứ không phải là hỗ trợ, vì hoạt động hỗ trợ là có cũng được, không có cũng được.
Về cơ chế phối hợp, vẫn do hệ thống chính sách không đồng bộ, cho nên cùng một chủ trương, nhưng có địa phương phối hợp tốt, có địa phương không phối hợp được. Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là do những con người cụ thể.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Ý kiến ()