Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 18:39 (GMT +7)
Hành trình về địa chỉ đỏ của Tuổi trẻ huyện Tân Thạnh
Thứ 2, 13/03/2023 | 16:40:49 [GMT +7] A A
Trong chuỗi hoạt động Tháng Thanh niên năm 2023, Huyện đoàn Tân Thạnh tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ tại khu di tích Lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) và tham quan Bảo tàng Đồng Tháp (Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Điểm đến đầu tiên của hành trình, đoàn tiến hành dành một phút mặc niệm và dâng hương tại đền thờ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh và tham quan thực tế về quá trình hoạt động của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1894, cụ dự thi hương năm Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) cụ đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu và được vua Thành Thái ban tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt). Tháng 6/1906, sau thời gian từ chối ra làm quan, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên đường vào kinh thành Huế nhậm chức Thừa biện bộ lễ.
Năm 1917, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được ông Lê Quang Hiển, một điền chủ yêu nước ở Cao Lãnh, mời về Cao Lãnh, từ đây cơ duyên cụ Phó Bảng gắn bó sâu nặng với người dân nơi đây. Sống ở làng Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cụ Nguyễn Sinh Sắc làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Cụ mất ngày 26/11/1929, thọ 67 tuổi. Cảm phục trước tấm lòng yêu nước thương dân của một chí sĩ, nhà nho yêu nước, sau khi cụ mất dân làng Hòa An an táng cụ tại địa phương.
Sau khi dâng hương và nghe về lịch sử hoạt động của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đoàn đi tham quan thực tế quanh Lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong khuôn viên Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc có nhiều cây xanh, hoa kiểng quý được các địa phương dâng tặng, trong đó có vườn cây lưu niệm do các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước trồng. Đặc biệt, ở đây có 2 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ “Chín đầu rồng”; “12 con giáp” của Nghệ nhân Lê Trí Liên (tỉnh Đồng Tháp) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Tác phẩm về điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam”.
Rời Lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng Đồng Tháp. Nhà trưng bày Bảo tàng Đồng Tháp được khởi công xây dựng ngày 26/6/1999 và khánh thành ngày 29/12/2000, với lối kiến trúc Đông-Tây kết hợp, nằm hòa quyện trong không gian cây xanh, mặt tiền hướng ra bờ sông Cao Lãnh, yên tĩnh và thơ mộng, làm tăng thêm sự thư giãn, thoải mái cho du khách khi tham quan Bảo tàng.
Nhà trưng bày có 2 tầng, tổng diện tích trưng bày khoảng 1.500m2, với 30.000 hiện vật gốc và nhiều tài liệu khoa học thể hiện các chuyên đề chính: Thiên nhiên - đất nước - con người Đồng Tháp; Đồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong đó có 3 bảo vật quốc gia, nhiều bộ sưu tập quý hiếm như: sưu tập đèn, tượng Phật, sưu tập gốm, đồng, trang phục, sưu tập nghe nhìn, bàn ghế cổ, súng bộ binh, đặc biệt bộ sưu tập Vàng văn hóa Óc Eo được công nhận kỷ lục quốc gia,...
Bảo tàng tỉnh đã sở hữu số lượng bảo vật quốc gia bậc nhất so với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, nơi đây được trưng bày chiếc máy bay Mic 17, do Đại tá -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, người con quê hương Đồng Tháp, từng bắn rơi nhiều máy bay địch. Sau khi tham quan 02 địa chỉ đỏ của tỉnh Đồng Tháp vùng đất Sen hồng.
Anh Nguyễn Văn Điền Anh - Bí thư đoàn Công an huyện, chia sẻ: “Đối với tôi mỗi địa chỉ là một hình tượng sống động giúp thế hệ trẻ cảm nhận rõ hơn và thực tế hơn về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ, người dân năm xưa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước. Qua chuyến đi này đã mang đến cho bản thân nhiều cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điều. Qua đó, giúp tôi có động lực ra sức học tập xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp; không ngại gian khó, xung kích, cống hiến sức trẻ với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Trong những năm qua, Huyện đoàn Tân Thạnh đã tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; thể hiện hình ảnh đẹp của màu áo xanh trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Anh Võ Tiền Phong - Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh, chia sẻ: “Hành trình về nguồn là một hoạt động thường niên của Tuổi trẻ huyện Tân Thạnh, với mong muốn khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đức anh dũng, hy sinh. Đây chính là động lực để mỗi đoàn viên thanh niên phát huy truyền thống dân tộc, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ”.
Chuyến đi đến những “địa chỉ đỏ” trên hành trình về nguồn của tuổi trẻ Tân Thạnh đọng lại là ý nghĩa tri ân sâu sắc, làm sáng rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hành trình tham quan “địa chỉ đỏ” đã đem đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước.
Các hoạt động cũng là một chương trình ý nghĩa nhằm tăng cường trải nghiệm, học các bài học lịch sử qua di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của thế hệ cha anh. Từ đó góp phần gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng, bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay./.
Ngọc Diệu - Chí Tâm
Ý kiến ()