Chủ Nhật, 19/01/2025 07:12 (GMT +7)

Hậu Giang cần hơn 90.000 tỷ đồng phát triển đô thị

Thứ 3, 28/02/2017 | 17:58:00 [GMT +7] A  A

Giai đoạn 2016 – 2020, Hậu Giang đặt mục tiêu nâng thành phố Vị Thanh lên thành phố loại II, thành lập thành phố Ngã Bảy, nâng thị xã Long Mỹ lên thị xã loại III, thành lập thị trấn Vĩnh Viễn và công nhận 4 đô thị mới loại V.

Thị xã Long Mỹ ngày càng phát triển. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngày 27/2, tại cuộc họp đóng góp chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Trần Văn Viên – Trung tâm tư vấn xây dựng và phát triển đô thị phía Nam, chủ nhiệm chương trình cho rằng, Hậu Giang đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng để trở thành một tỉnh có đô thị hóa cao; một trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong vùng.

Theo đó, Hậu Giang sẽ có cấu trúc không gian là các vùng đô thị – công nghiệp tập trung, vùng đô thị – công nghiệp ven trung tâm thành phố Cần Thơ, bao gồm các đô thị: Một Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc, Ngã Sáu, Mái Dầm; các khu công nghiệp Sông Hậu, Nhơn Nghĩa A, Tân Phú Thạnh; các cụm công nghiệp Đông Phú, Phú Hữu A.

Vùng đô thị – công nghiệp gắn với thành phố Vị Thanh – thị xã Long Mỹ bao gồm: các đô thị Vị Thanh, Nàng Mau; các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Vị Thanh, Nàng Mau, Long Mỹ và cụm kho tàng bến bãi Tân Tiến.

Cùng đó là phát triển các vùng du lịch, vùng cảnh quan và bảo tồn thiên nhiên như: Trung tâm du lịch – bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái ngập nước Lung Ngọc Hoàng mang tầm quốc gia và quốc tế với diện tích gần 3.000ha; Cụm du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, tham quan làng nghề truyền thống, di tích lịch sử thuộc huyện Châu Thành và Châu Thành A; Cụm du lịch văn hóa lễ hội, nghỉ dưỡng, sinh thái vườn trái cây, vườn cò thuộc thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cần nguồn lực đầu tư lớn vì nhiều đô thị của tỉnh được xây dựng khá lâu, trên dưới 10 năm. Để đảm bảo nguồn lực phát triển đô thị, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút xã hội hóa tại nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, giao thông… và nghiên cứu cơ chế hiệu quả.

Ông Ngô Triều Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho rằng, để đạt chuẩn đô thị, địa phương đang rất khó thực hiện ở chỉ tiêu dân số. Vì để nâng cấp thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy đạt chuẩn theo chương trình thì dân số phải đạt được là từ 50.000 dân vào năm 2020. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm chia tách và thành lập, đến nay thị trấn Nàng Mau cũng chỉ đạt khoảng 9.000 dân. Do vậy, cần kéo dài thời gian để nâng chuẩn đô thị đối với thị trấn này.

Giai đoạn 2016 – 2020, Hậu Giang đặt mục tiêu nâng thành phố Vị Thanh lên thành phố loại II, thành lập thành phố Ngã Bảy, nâng thị xã Long Mỹ lên thị xã loại III, thành lập thị trấn Vĩnh Viễn và công nhận 4 đô thị mới loại V. Giai đoạn 2021 – 2025, Hậu Giang duy trì số lượng 19 đô thị theo kết quả phát triển đô thị đến năm 2020; đặc biệt là tập trung nâng chất lượng 5 đô thị lên đô thị loại IV và thành lập mới 4 thị trấn.

Duy Ba (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu