Đồng chí Trường Chinh là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Trường Chinh – Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định,” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/1 tại Nam Định, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907-9/2/2017).
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nam Định và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo.
Với hơn 40 tham luận, từ nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học, các đại biểu đã phân tích, làm rõ, làm sâu sắc thêm những hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là những đóng góp quan trọng của ông Trường Chinh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; tình cảm của đồng chí với quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nam Định.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu khẳng định đồng chí Trường Chinh là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí là nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng, nhà văn hóa lớn, tấm gương đạo đức trong sáng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong những năm hoạt động bí mật cũng như lúc bị địch bắt tra tấn, tù đày, đồng chí Trường Chinh luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng và chí khí của người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, đồng chí đã để lại dấu ấn quan trọng thể hiện bản lĩnh cách mạng, nhạy bén, sáng tạo cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách tiến hành thành công cuộc cách mạng giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước vào đổi mới toàn diện, đồng chí Trường Chinh với tư duy lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn vượt khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét việc thực hiện công cuộc đổi mới với những nội dung toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, góp phần mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam…
Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Đồng chí Trường Chinh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, nhà văn hóa cách mạng; đồng thời là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận căn bản nhất của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Trong những chặng đường cụ thể, đồng chí luôn phân tích, đánh giá đúng hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn lịch sử, từ đó xác định được các nhiệm vụ cách mạng hợp quy luật, hợp lòng dân. Đồng chí Trường Chinh là tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, gần gũi đồng chí, đồng bào. Trong mọi hoạt động công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần tập trung dân chủ, minh bạch, công tâm, cẩn trọng, sắc sảo trong tư duy, nghiêm túc trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu (sinh ngày 9/2/1907) trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (từ 1925 – 1988), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như Quyền Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam…
Trên mọi cương vị công tác, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có đạo đức cách mạng trong sáng; khiêm tốn, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng bào../.
Ý kiến ()